Thứ năm, 25/04/2024 | 18:19
RSS

"Phát sốt" với lời kêu gọi phụ nữ "Ăn Tết nhà ngoại" của Lê Hoàng

Thứ tư, 27/12/2017, 16:04 (GMT+7)

''Cũng là phận làm con, ngày Tết phụ nữ cũng mong mỏi được sum vầy bên gia đình bố mẹ đẻ. Hà cớ gì phải vùi mình trong bếp nhà chồng...Hãy tung tăng về bên ngoại nhanh lên!''

Đạo diễn Lê Hoàng từng được biết đến với những quan điểm gây sốc khi thẳng thắn đấu tranh giành quyền lợi cho phụ nữ, "một nửa thế giới" vốn chịu nhiều thiệt thòi. 

Hai ngày gần đây, cộng đồng mạng đặc biệt là hội chị em "bỉm sữa" bỗng xôn xao với bài viết "Lời kêu gọi hàng triệu phụ nữ thành phố nhân dịp xuân về" của đạo diễn Lê Hoàng. 

Trong bài viết, đạo diễn Lê Hoàng "trách móc" phụ nữ Việt vẫn còn bỏ bê bản thân, trong khi luôn dành quá nhiều thời gian để chăm sóc người khác. 

lời kêu gọi hàng triệu phụ nữ Việt đứng lên đấu tranh của Lê Hoàng
Lê Hoàng kêu gọi chị em phụ nữ hãy từ bỏ tất cả để về ngoại ăn Tết

Theo nam đạo diễn, đa phần phụ nữ Việt vẫn còn "an phận thủ thường", suốt ngày lúi húi trong bếp, chỉ biết đến việc đi chợ, chăm lo cho gia đình, lau chùi nhà cửa rồi than thân trách phận...Đặc biệt là vào những ngày Tết.

Năm hết Tết đến, chị em phụ nữ lại xoay quanh câu chuyện: Tết này về nhà nội hay nhà ngoại. Câu chuyện “làm dâu” vẫn chưa bao giờ cũ. Nhất là những người phụ nữ lấy chồng xa, vẫn “chịu đựng”, “ngậm ngùi” khi chiều theo ý muốn của nhà chồng. Bên cạnh đó, có nhiều người vẫn nghĩ rằng, “xuất giá tòng phu”, “phận” phụ nữ, phận làm dâu cần phải làm tròn trách nhiệm với nhà chồng…

lời kêu gọi hàng triệu phụ nữ Việt đứng lên đấu tranh của Lê Hoàng
Quan điểm của Lê Hoàng nhận nhiều ý kiến trái chiều

Lê Hoàng kêu gọi chị em hãy bỏ lại đằng sau những âu lo để dành thời gian về ăn Tết nhà ngoại. Trong những ngày Tết dài hơn thế kỷ đó, chị em luôn luôn trong các tâm trạng: Mệt, tức tối, uất ức, và luôn luôn thiếu tiền lì xì...Nhà nội, đó là nơi trong ba ngày Tết, ta thấy mình vừa là osin, vừa khách lạ, nửa là bà chủ, nửa là đứa ở nhờ...Vậy thì hãy bỏ lại tất cả, về bên gia đình yêu thương, nơi có bố mẹ sinh ra mình để được tận hưởng không khí bên mâm cơm nhà ngoại. 

Hàng loạt trang fanpage chia sẻ lại bài viết này và nhận được đông đảo sự ủng hộ của phụ nữ Việt và nổ ra cuộc tranh luận gay gắt trên các diễn đàn mạng. Tuy nhiên cũng có những ý kiến phản bác mạnh mẽ cho rằng vị đạo diễn đang cổ xúy cho chị em phụ nữ. Mong mỏi được ăn Tết nhà ngoại là điều những cô con dâu xa nhà đều có, nhưng không phải ai cũng trải qua một cái Tết với nhiều thứ mệt mỏi như Lê Hoàng đưa ra. 

lời kêu gọi hàng triệu phụ nữ Việt đứng lên đấu tranh của Lê Hoàng
Chia sẻ của Lê Hoàng trong cuộc thi "Tết nhà ngoại - Đừng ngại sẻ chia" tại tetnhangoai.vn vẫn còn nhận được nhiều bình luận của cộng đồng mạng

Nguyên văn bài chia sẻ của Lê Hoàng:

Hỡi chị em,

Cuộc đời của chúng ta ngắn ngủi. Những ngày xuân của chúng ta còn ngắn ngủi hơn.

Vậy mà mỗi khi Tết đến, có hàng triệu cô gái đang run rẩy, hồi hộp, lo sợ và chán nản vì phải về quê nội tức quê chồng !

Quê chồng ?

Đó là nơi trước khi cưới hai đứa chỉ thăm thoáng qua mà không hề ngủ lại.

Quê chồng ?

Đó là nơi ta thường thấy tuyệt đẹp trên tranh ảnh với thằng bé ngồi thổi sáo trên lưng trâu, hoặc trên ti vi với những đứa bé chạy qua đồng lúa xanh biếc, tay đang kéo một con diều.

Quê chồng.

Đó là con đò êm đềm bơi trên dòng sông phẳng lặng thường mô tả trong các cuộc thi nhiếp ảnh hàng năm.

Tất cả những điều tuyệt vời đó đều đúng hết, nhưng than ôi, quê chồng, nhất là trong dịp Tết, khi ta về ở vài ngày, còn bao nhiêu điều khác nữa.

Đấy là sau một chuyến xe đò hoặc xe máy đầy mồ hôi, đầy bụi bặm, ta đi bộ tiếp một quãng trên con đường đất hoặc đường đá gập ghềnh.

Bước vào nhà, ta phải vào thưa rối rít những người ta biết và những người ta mới gặp lần đầu. Ta muốn đi tắm ngay, muốn nằm lăn ra ngay mà không được phép.

Rồi tiếp theo, ta bước vào phòng vệ sinh, kinh hoàng thấy mái nhà thủng, tường thủng, cánh cửa không có then, ngồi xuống một tay phải giữ nếu không muốn nó bật ra, ngước mắt lên thấy quần áo chưa giặt của ai đó phơi đầy.

Quê chồng, hay nói rộng hơn, bên nội. Là đêm ta ngủ trên chiếc giường ọp ẹp, đắp cái chăn ít khi gặp xà phòng, có nhiều con gì sột soạt khắp nơi, có những tiếng nói to bên ngoài. Ta chập chờn ngủ thiếp đi, và giật mình lúc trời còn tối mờ mờ vì bọn gà gáy oang oang và kêu phành phạch.

Quê chồng, hay nói rộng hơn là bên nội.

Là từ sáng 28, 29 Tết, ta đã ngơ ngác, lảo đảo, ngỡ ngàng, hoảng sợ vì lần đầu tiên phải cắt tiết, nhổ lông gà, nhặt xương heo, đâm cá chép.

Dọn đủ các món la liệt nhưng chỉ ăn được vài miếng, dù mệt, dù đói nhưng phải giữ ý và phải nhìn trước ngó sau.

Ăn xong, tưởng đã kiệt sức rồi, thì mới đến phần rửa bát. Ta và các cô em chồng có dịp ngồi bệt xuống nền nhà bếp, chùi cho tới tay phồng rộp ra. Trong khi đó, ở nhà trên, chồng và bố chồng vẫn đang nâng ly chúc tụng.

Nhà nội.

Trong những ngày Tết dài hơn thế kỷ đó, chị em ta luôn luôn trong các tâm trạng: Mệt, tức tối, uất ức, và luôn luôn thiếu tiền lì xì. Trong những ngày nhọc nhằn đó, chị em ta kinh ngạc, kinh hãi khi thấy ông chồng bộc lộ những phẩm chất chưa gặp bao giờ: Say lè nhè, ra lệnh cho vợ và đánh bài một cách hăng say, gãi đầu và gãi lưng liên tiếp.

Trong những ngày Tết nặng nề ấy, ta không đi xem phim không dạo đường hoa, không vô nhà hàng. Ta chỉ thấy suốt ngày cả nhà chồng mở đĩa tấu hài oang oang, dọn hết mâm nọ đến mâm kia rồi hát karaoke vang lừng những bản nhạc về tình yêu dang dỡ, tan tành.

Nhà nội.

Đó là nơi trong ba ngày Tết, ta thấy mình vừa là osin, vừa khách lạ, nửa là bà chủ, nữa là đứa ở nhờ.

Nếu như Tết về bên Ngoại, ta có thể cười nói thỏa thích, tự do ăn hoặc không ăn, vừa nằm lăn ra vừa nhảy dựng lên thì ở bên Nội ta thấp thỏm, hoang mang, lúc nào cũng trong tâm trạng vừa thiếu vừa thừa.

Nếu ở thành phố, ta có thể tới đâu tùy thích, nhưng về quê chồng, phải đi chào khắp bà con, chúc những câu giống nhau và nhận những lời căn dặn thuộc lòng. Lạnh sống lưng khi mấy đứa em khoan khoái thông báo sau Tết sẽ lên nhà ta ở nhờ vài tháng để ôn thi.

Ôi, khi ta cưới một chàng trai có gốc nông thôn, ta đã quá đề cao tính hiền lành. Ta đã coi thường sự tinh tế.

Ta biết nhà chồng không có lỗi. Nhưng ta cũng tự hỏi mình có nên chịu đựng vậy không?

Hỡi chị em.

Mùa xuân của đất trời rất ngắn. Mùa xuân của đời ta còn ngắn hơn nhiều.

Hãy dũng cảm dừng lại nếu tự thấy việc về quê chồng hàng năm trở thành khiếp đảm. Hãy hiên ngang nói ra điều đó cho chồng hoặc cho cả thế giới nghe.

Hạnh phúc không đổi bằng chịu đựng.

Tình nghĩa không xây dựng trên sự nghiến răng.

Ngày Tết không diễn ra bằng làm cơm cúng giỗ liên miên!

Năm mới không thể chôn vùi trong quần quật. Hãy tung tăng về bên ngoại nhanh lên!

Bảo An
Theo Đời sống Plus/GĐVN