Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:19
RSS

Vào viện khám vì đau đầu, người phụ nữ sốc khi được phát hiện mắc ung thư hiếm gặp

Thứ bảy, 18/04/2020, 09:49 (GMT+7)

Một người phụ nữ tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc vào viện khám vì đau đầu, nhức hốc mắt, dịch mũi phải có mùi hôi. Bác sỹ chẩn đoán bà bị ung thư mũi xoang.

Đau đầu ngạt mũi người phụ nữ phát hiện mắc ung thư hiếm gặp
Đau đầu, ngạt mũi, người phụ nữ phát hiện mắc ung thư hiếm gặp​. Ảnh Dân Trí.

Theo Báo Dân Trí thông tin, bà Nguyễn Thị Th, 67 tuổi, ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc có tiền sử ung thư tuyến nước bọt, đã phẫu thuật và nạo vét hạch. Một thời gian sau, bà thấy đau đầu, đau nhức mặt kèm theo ù tai, mũi phải chảy dịch mùi hôi, ảnh hưởng nhiều trong sinh hoạt. Lúc này bà mới đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để khám. 

Sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện khe và sàn mũi phải có khối u sùi xâm lấn vào các xoang sàng, hàm phải. Sau quá trình hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy toàn bộ khối u sàng hàm và cắt một phần xương hàm trên, có sử dụng dao mổ laser, đồng thời lấy mẫu u làm xét nghiệm giải phẫu bệnh. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị ung thư mũi xoang. Sau khi ca mổ có tiển triển bệnh nhân được tiến hành xạ trị tại Bệnh viện Trung tâm Ung Bướu.

Thông tin thêm về bệnh ung thư xoang, theo cơ quan Dịch vụ Y tế quốc gia Anh, ung thư xoang là ung thư ở khu vực xoang, hốc xương rỗng, thông giữa mũi, xương gò má và trán. Ung thư xoang biểu hiện sự sinh trưởng bất thường của các tế bào ở trong và xung quanh các ngóc ngách bên trong mũi (khoang mũi).

Kỹ thuật chẩn đoán ung thư xoang đó là sử dụng chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ. Kỹ thuật này, thường được thực hiện để xác định giai đoạn khối u và kiểm tra xem có dấu hiệu di căn hoặc lan rộng không.

Việc chụp cắt lớp vi tính hữu dụng hơn trong việc đánh giá cấu trúc xương của các xoang và nền sọ. Chụp cộng hưởng từ được ưa chuộng hơn trong việc xác định chi tiết mô mềm, chẳng hạn như xâm lấn màng cứng (màng bao phủ não), mắt hoặc não.

Tiếp theo, đến sinh thiết khối u để xác định chẩn đoán sau cùng, điều này thường được thực hiện tại phòng khám kèm với gây tê bằng thuốc tiêm hoặc thuốc bôi. Bệnh nhân sẽ được điều trị phụ thuộc vào các yếu tố bao gồm giai đoạn chẩn đoán ung thư, mức độ lây lan và mức độ sức khỏe chung của tùy từng bệnh nhân. Điều trị có thể bao gồm:

Phẫu thuật để loại bỏ một khối u. Xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư, thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật hoặc phá hủy các mảnh nhỏ của khối u có thể để lại sau phẫu thuật. Hóa trị liệu làm chậm sự phát triển của khối u hoặc giảm nguy cơ ung thư quay trở lại sau phẫu thuật.

Trần Ngọc (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN