Thứ bảy, 20/04/2024 | 20:58
RSS

Ông Đinh La Thăng sai phạm thế nào khi 'ném' 800 tỷ vào Oceanbank?

Thứ hai, 19/03/2018, 07:18 (GMT+7)

Ông Đinh La Thăng ký thỏa thuận để PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank nhưng không thông qua HĐQT khiến PVN thiệt hại nghiêm trọng.

Ông Đinh La Thăng  hầu tòa lần 2 trong vụ gây thất thoát  800 tỷ đồng.
Ông Đinh La Thăng  hầu tòa lần 2 trong vụ gây thất thoát  800 tỷ đồng. Ảnh VNE

Sáng nay 19/3, ông Đinh La Thăng và 6 bị can nguyên là lãnh đạo Tập đoàn dầu khí VN (PVN) ra tòa trong vụ án cố ý làm trái khi góp vốn vào OceanBank, gây thiệt hại của nhà nước 800 tỉ đồng. Có 5 luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Đinh La Thăng trong phiên tòa này.

Theo cáo trạng, năm 2008, sau khi không được thành lập Ngân hàng (NH) TMCP Hồng Việt, ông Đinh La Thăng đã để mắt đến việc góp vốn vào OceanBank. Ngày 18/9/2008, ông Thăng đã ký Thỏa thuận số 6934 với Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT OceanBank) về việc PVN góp 20% vốn điều lệ vào NH này (tương đương 400 tỉ đồng), theo báo Thanh niên.

 Ông Thăng không tổ chức họp HĐQT, dù đã được báo cáo tình hình làm ăn bết bát, khả năng thanh khoản kém, vốn và tiềm lực tài chính, chất lượng tài sản thấp... của NH này. Thỏa thuận trên là cơ sở, tiền đề cho việc PVN góp 800 tỉ đồng vào OceanBank giai đoạn 2008 - 2011 của PVN.

Lần góp vốn thứ nhất (400 tỉ đồng) vào năm 2008, dù Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu PVN báo cáo rõ tình hình hoạt động của OceanBank trước khi quyết định đầu tư, nhưng ông Đinh La Thăng đã không báo cáo theo yêu cầu.

Lần góp vốn thứ 2 vào năm 2010, bổ sung 300 tỉ đồng, ông Đinh La Thăng có bút phê đồng ý việc tăng vốn mà chưa xin ý kiến Thủ tướng và cũng phớt lờ ý kiến của Phó thủ tướng yêu cầu PVN rà soát, không nhất thiết phải nắm giữ 20% vốn điều lệ của OceanBank.

Lần góp vốn thứ 3, tháng 5/2011, PVN tiếp tục góp thêm 100 tỉ đồng, duy trì tỷ lệ nắm giữ 20% vốn (có 4/7 thành viên HĐQT biểu quyết, trong đó ông Đinh La Thăng và ông Phùng Đình Thực (nghỉ ốm, không biểu quyết), trái với luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (có hiệu lực từ 1/1/2011) quy định cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Đến khi OceanBank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng, PVN mất trắng 800 tỉ đồng vốn góp.

Cáo trạng khẳng định trách nhiệm đối với thiệt hại trên thuộc về Đinh La Thăng và các đồng phạm, trong đó ông Thăng có trách nhiệm cao nhất với tư cách là người đứng đầu PVN. Trong giai đoạn truy tố, ông Thăng “nhận trách nhiệm trước pháp luật với tư cách người đứng đầu PVN và xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật”.

Một chi tiết rất đáng chú ý là sự xuất hiện của biên bản ghi ngày 28/3/2017, trong đó có 3 thành viên HĐQT PVN ký xác nhận HĐQT tập đoàn này đã bàn bạc, thống nhất về chủ trương góp vốn vào OceanBank. 

Tuy nhiên, 3 người có chữ ký là ông Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh, bà Phan Thị Hòa cho biết đã ký vào giấy xác nhận vì cả nể, sau khi ông Thăng gọi điện nhờ. Riêng ông Đỗ Văn Đạo không ký xác nhận. Chính ông Đinh La Thăng cũng khai, thừa nhận không bàn bạc với thành viên HĐQT, giấy xác nhận có 3 chữ ký trên là không đúng sự thật.

Với các hành vi trên, ông Đinh La Thăng bị truy tố về hành vi “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Phiên tòa lần này, ông Thăng cùng các bị cáo Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức bị đưa ra xét xử theo khoản 3, điều 165 Bộ luật Hình sự 1999. Mức án cao nhất tới 20 năm tù, Vnexpress đưa tin.

Theo quy định về tổng hợp hình phạt tại phiên tòa của Bộ luật Hình sự 1999 cũng như Bộ luật Hình sự 2015, mức hình phạt tù có thời hạn cao nhất mà một người phải nhận không quá 30 năm tù. Do đó, dù ông bị tuyên mức án cao nhất tại vụ án này song tổng hợp với mức phạt của vụ án đã xét xử tháng 1 (13 năm tù), hình phạt phải nhận sẽ tối đa là 30 năm tù.

Để chuẩn bị cho phiên tòa, TAND TP.Hà Nội đã triệu tập Hà Văn Thắm (46 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) với tư cách là người làm chứng. Hà Văn Thắm hiện đang bị tạm giam, là bị cáo tại vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm trong sai phạm xảy ra tại OceanBank. 

Ngoài Hà Văn Thắm, tòa còn triệu tập Nguyễn Ngọc Sự (61 tuổi, hiện đang bị tạm giam và là bị can trong vụ án khác) và Phùng Đình Thực (64 tuổi, nguyên Tổng giám đốc PVN, đang là bị cáo trong vụ án khác) với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. 

Đã có 23 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo và nguyên đơn dân sự (PVN), người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (OceanBank). Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 10 ngày, từ 19 - 29/3. Tòa dự kiến tuyên án vào ngày 31/3.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN