Thứ sáu, 29/03/2024 | 14:57
RSS

Ông bố ở Hải Phòng dùng đũa đâm con trai tử vong có được miễn giảm trách nhiệm hình sự vì say rượu?

Thứ tư, 24/03/2021, 14:00 (GMT+7)

Khi say rượu, các đối tượng thường rơi vào tình trạng không tỉnh táo, không kiểm soát được hành vi của mình. Vậy khi sát hại con trai 15 tuổi trong tình trạng say rượu, người cha ở Hải Phòng có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?

Công an TP Hải Phòng đang tạm giữ Nguyễn Hùng Cường (SN 1982, trú tại phường Lê Lợi, quận Ngô Quyền) để điều tra về hành vi dùng đũa đâm chết con trai của mình. Theo đó, Khoảng 20 giờ ngày 22/3, tại nhà riêng của gia đình, ông Cường và con trai N.H.A.K (15 tuổi, học sinh lớp 9 Trường THCS Chu Văn An, quận Ngô Quyền) có mâu thuẫn, to tiếng. Ít phút sau, gia đình nhanh chóng đưa K đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng nạn nhân đã tử vong.

Thông tin xác minh ban đầu cho thấy, nhiều khả năng do ông Cường có sử dụng bia, rượu nên khi cãi nhau đã lỡ tay sát hại con. Sau khi con trai tử vong, người bố đã ra cơ quan công an đầu thú. Một người hàng xóm cho biết, K là cậu bé ngoan, mẹ mất cách đây vài năm, ông Cường chấp nhận sống cảnh "gà trống nuôi con". Khi biết tin cháu K tử vong, ai cũng bất ngờ, thương cháu.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an quận Ngô Quyền đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP Hải Phòng cùng các cơ quan chức năng khác tiến hành khám nghiệm tử thi, thu thập thông tin phục vụ công tác điều tra làm rõ vụ việc.

Bước đầu cơ quan điều tra xác định, do cháu K bỏ thi giữa kỳ khiến ông Cường tức giận và dùng 1 chiếc đũa ăn cơm đâm 1 nhát vào vùng ngực của con trai làm thủng quai động mạch chủ, dẫn đến sốc mất máu cấp khiến cháu tử vong.

Ông bố ở Hải Phòng dùng đũa đâm con trai tử vong có được miễn giảm trách nhiệm hình sự vì say rượu

Gia đình đang lo hậu sự cho nam sinh xấu số

Trước thông tin cho rằng, Cường có những biểu hiện không bình thường, say rượu khi gây án, luật sư Vũ Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, căn cứ Điều 13 (Bộ luật Hình sự 2015) quy định: Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo đó, người say rượu vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội.

Quy định này nhằm phòng chống, ngăn ngừa tội phạm lợi dụng tình trạng say rượu, bia và các chất kích thích khác để thực hiện tội phạm.

"Cũng giống trường hợp phạm tội khi ngáo đá, trường hợp phạm tội khi say rượu không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong quá trình xét xử vụ án hình sự.

Người phạm tội chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi. Do đó, dù Cường đã thực hiện hành vi đánh chết con trai trong lúc say rượu thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật", luật sư Long chia sẻ.

Theo luật sư Long, với diễn biến vụ việc như vậy thì đối tượng Cường có thể bị xử lý về tội giết người được quy định tại điểm b (khoản 1, Điều 123, BLHS 2015). Nếu bị cáo buộc, Cường sẽ phải chịu hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt với Cường, tòa án sẽ căn cứ vào hai yếu tố chính là yếu tố nhân thân và yếu tố hành vi. Trong đó tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, hậu quả đã xảy ra với nạn nhân, nhân thân của Cường và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sẽ là những yếu tố quyết định đến mức hình phạt cụ thể.

Ông bố ở Hải Phòng dùng đũa đâm con trai tử vong có được miễn giảm trách nhiệm hình sự vì say rượu

Luật sư Nguyễn Anh Thơm khẳng định, đây là vụ việc rất đau xót trong quan hệ gia đình khi người cha dạy dỗ con cái thiếu kiềm chế

Nhìn nhận ở một góc cạnh khác, luật sư Nguyễn Anh Thơm- Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội), vụ việc xảy ra rất đau xót trong quan hệ gia đình khi người cha dạy dỗ con đã thiếu kiềm chế, sử dụng vũ lực quá mức cần cần thiết gây ra cái chết oan uổng cho con. pháp luật đã nghiêm cấm công dân sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, dù là quan hệ nuôi dưỡng dạy dỗ giữa các thành viên trong gia đình. Nếu gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe thì sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, tính mạng, sức khỏe con người là khách thể cao nhất được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm.

Theo thông tin ban đầu, do cháu K bỏ kỳ thi giữa kỳ nên giữa 2 bố con xảy ra tranh cãi. Do thiếu kiềm chế trước thái độ của con trai, người bố đã lấy chiếc đũa ăn đâm một phát trúng ngực con tử vong. Xét hành vi của người bố do thiếu kiềm chế trong việc dạy dỗ con, sử dụng đũa ăn đâm trúng ngực con tử vong khi con chưa đủ 16 tuổi đã cấu thành tội "Giết người" với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là "giết người dưới 16 tuổi".

Luật sư Thơm phân tích, theo Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP đã xác định phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.

Như vậy, pháp luật buộc công dân phải nhận thức khi sử dụng đũa là phương tiện nguy hiểm đâm vào ngực là vùng trọng yếu trên cơ thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng người khác. Thực tế là cháu bé đã bị tử vong do vết thương quá nặng, dù đã được các bác sĩ hết lòng cứu chữa. "Vụ án mạng này là bài học cảnh báo cha mẹ trong việc dạy dỗ con bằng vũ lực quá mức cần thiết sẽ dẫn tới những hậu quả rất tiêu cực không những ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em mà còn gây ảnh hướng đến cả tính mạng, sức khỏe của các con", luật sư Thơm nói.

Bình Minh
Theo GiadinhNet