Hai tuần trước, cán bộ của Viện công nghệ môi trường (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã tiến hành lấy mẫu giám định chất lượng nước trên các đoạn sông Tô Lịch, sau 3 ngày được thí điểm ứng dụng công nghệ xử lý hiện đại Nano - Bioreactor. Kết quả test nhanh chỉ số pH và DO (đo độ kiềm và lượng oxy hòa tan trong nước) cho thấy, tình trạng ô nhiễm có dấu hiệu cải thiện.
Theo ghi nhận của PV Dân Trí vào sáng 31/5, tại khu vực lắp đặt thí điểm máy Nano trên sông Tô Lịch, màu nước dưới sông đã trong hơn, chuyển từ đen sang nâu, mùi hôi thối giảm nhiều, váng bẩn trên mặt nước cũng dần phân huỷ.
Tiến sĩ Tadashi Yamamura (chuyên gia Liên Hợp Quốc về môi trường) cho hay: "Công nghệ nano tạo ra oxi trực tiếp kích hoạt các vi sinh vật hiếu khí, yếu tố công nghệ Bioreactor kích hoạt các vi sinh vật kị khí và cả 2 yếu tố này đều tạo ra oxi. Bản thân công nghệ này tạo thành hệ thống tăng khả năng tự làm sạch của dòng sông".
Từ ngày có 4 chiếc máy công nghệ Nano Bioreactor, người dân thích thú đi dạo, tập thể dục tại đây hơn. Ông Vũ Văn Toản (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) chia sẻ với Lao Động: "Trước lúc cải tạo sông này bẩn lắm, thối không ngửi nổi. Sạch được như thế là may rồi. Người dân chúng tôi sống ở đây mấy chục năm chưa bao giờ dám mơ nước sông hết thối. Mấy ngày nay theo đánh giá của tôi nước không những đỡ đen mà còn giảm mùi thối rất nhiều".
Ông Hà Văn Chiến (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Đoạn sông này không những bớt mùi mà nước sông có vẻ trong xanh hơn".
Là người dân sinh sống ven sông Tô Lịch, cô An (55 tuổi, đường Nguyễn Đình Hoàn, Cầu Giấy) chia sẻ: “Lâu lắm rồi với thấy sông Tô Lịch sạch sẽ như vậy. Buổi sáng đi tập thể dục qua đây, thấy nước sông chuyển màu rõ rệt, không đen xì như ngày trước nước, mùi hôi thối cũng không còn nữa”.
Cũng theo cô An, người dân ở đây rất phấn khởi và hi vọng mô hình này sẽ được nhân rộng ra cả con sông Tô Lịch để cuộc sống người dân đỡ khổ.