Như đã đưa tin, vào khoảng 23h ngày 21/10, bà Nguyễn Thị Nga (SN 1972, ngụ quận 12, trú quận Bình Thạnh – một chủ doanh nghiệp ở TPHCM) điều khiển ô tô BMW BKS 51F-279.10 lưu thông ở trên đường Điện Biên Phủ hướng về Ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TPHCM) bất ngờ tông vào nhiều xe máy đang dừng chờ đèn tín hiệu. Vụ tai nạn liên hoàn khiến 1 người tử vong tại chỗ, nhiều người bị thương, một số phương tiện hư hỏng.
Vụ tai nạn giao thông liên hoàn trên khiến dư luận bức xúc bởi thời điểm gây tai nạn, bà Nguyễn Thị Nga điều khiển phương tiện trong tình trạng nồng nặc mùi rượu bia. Kiểm tra nồng độ cồn của bà Nga tại trụ sở công an cho kết quả 0,94 miligam/lít khí thở, vượt quá quy định. Ngay sau đó, bà Nguyễn Thị Nga bị tạm giữ để điều tra làm rõ về vụ việc.
Trên báo Lao Động, Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đánh giá đây là một vụ việc thương tâm, gây án mạng đau lòng nguyên nhân ban đầu có thể xuất phát từ việc sử dụng bia rượu của nữ tài xế.
"Vụ việc này đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017", luật sư Lực nhận định.
Theo đó người điều khiển phương tiện là Nguyễn Thị Nga có thể bị truy cứu theo Khoản 2 hoặc Khoản 3, Điều 260 với khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù, sau khi cơ quan chức năng có kết luận trưng cầu giám định về tỷ lệ thương tích.
Bên cạnh đó, Luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn LS TP. HCM) cho Thời Đại hay, nữ tài xế có thể đối diện với mức án cao. Tuy nhiên, mức án như thế nào còn tuỳ thuộc vào kết luận cụ thể từ cơ quan điều tra.
Theo LS Hùng, trước mắt nữ tài xế Nga có thể phải chịu trách nhiệm về Dân sự lẫn Hình sự trong vụ việc này. Về trách nhiệm Dân sự, LS Hùng cho biết, theo Điều 604 quy định của pháp luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Việc bồi thường thiệt hại như thế nào thì dựa theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại ở điều 605 Bộ Dân sự.