Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:04
RSS

Nữ sinh liệt 2 chi dưới do hít “bóng cười”

Thứ năm, 15/08/2024, 15:49 (GMT+7)

Mới đây, một nữ sinh 16 tuổi đã nhập viện điều trị trong tình trạng liệt hai chi do lạm dụng “bóng cười” – khí NO2.

 

Thông tin trên báo Lao Động, bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận người bệnh nữ 16 tuổi ở Vĩnh Phúc trong tình trạng liệt hai chi dưới sau khi sử dụng 15 quả bóng cười.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng: tê bì, giảm cảm giác tứ chi; chân nặng hơn tay, liệt mềm chân cơ lực, gặp khó khăn trong vận động, không thể đi lại, phải di chuyển bằng xe lăn, yếu hai tay, không nói ngọng, không liệt mặt, không có rối loạn cơ tròn.

Thông tin tiền sử bệnh cho thấy: trước đây bệnh nhân khỏe mạnh, khoảng 2 tuần trước đã sử dụng 15 quả bóng cười trong vòng 3 ngày. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện tình trạng tê bì tứ chi, hay bị chuột rút, giảm cảm giác chân tay hai bên, chân nặng hơn tay, tình trạng yếu chi tiến triển tăng dần dẫn đến không vận động được 2 chân.

Sau khi nhập viện, nữ bệnh nhân được chẩn đoán: Tổn thương thần kinh ngoại vi giai đoạn bán cấp do lạm dụng bóng cười. Được chỉ định điều trị bằng thuốc tăng dẫn truyền thần kinh, vitamin B12 liều cao. Đến nay, sau 10 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh đã ổn định và được xuất viện.

Nữ sinh liệt 2 chi dưới do hít “bóng cười”

Nữ bệnh nhân 16 tuổi nhập viện trong tình trạng liệt 2 chi dưới do hút bóng cười. (Ảnh: Báo Lao Động)

Theo TS.BS Lê Thị Bích Thủy – Trưởng khoa Nội thần kinh – Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, ngộ độc khí Nitơ Oxit (N2O) do lạm dụng hít bóng cười trong thời gian dài có thể dẫn đến thoái hóa thần kinh bán cấp do bất hoạt vitamin B12, từ đó gây nên những tổn thương thần kinh kéo dài và khó phục hồi. Nguy hiểm hơn, các chất kích thích có nguy cơ gây ra lạm dụng hay lệ thuộc, gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, ức chế não, thậm chí gây tử vong.

Thực tế, N2O được sử dụng để giải trí từ thế kỷ 18, được dùng cho y tế vào đầu thế kỷ 20 với tác dụng gây mê, an thần, giảm đau và được các nha sĩ, bác sĩ sản khoa, bác sĩ thể thao sử dụng trong một số trường hợp.

Trên thế giới khí cười được phép sử dụng trong y tế với một liều lượng nhất định theo chỉ định của bác sĩ. Với nhiều phương pháp gây tê khác, bệnh nhân cần có thời gian nhất định để nghỉ ngơi và hồi sức. Mặc dù khí cười dùng trong y tế khá an toàn và chủ yếu được thực hiện trong các thủ thuật nha khoa, sản khoa, thể dục thể thao, song không phải đối tượng nào cũng có thể dung nạp khí cười.

Trao đổi trên báo Sức khỏe & Đời sống, Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên- phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin. Đây là lý do nhiều người lúc đầu chỉ sử dụng bóng cười cho vui, cho rằng vô hại vì hết cười lại bình thường. Nhưng xu hướng sẽ tăng liều dần và gây nguy cơ ngộ độc.

“Việc sử dụng N2O kéo dài hoặc lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, ức chế não, thậm chí gây tử vong. Với những người đang lái xe có dùng bóng cười sẽ rất nguy hiểm” bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Trần Giang
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại