Bệnh tiêu chảy
Tiêu chảy là bệnh thường xuất hiện nhất tại vùng bão lũ. Nguyên nhân là do vi khuẩn tả, thương hàn, vi khuẩn E.coli, vi khuẩn lỵ,... gây ra bệnh tiêu chảy khi hòa tan vào nguồn nước ở vùng mưa lũ, sẽ lây lan nhanh chóng, theo tay của con người rồi xâm nhập vào đường ruột.
Ngoài vi khuẩn, virus cũng là một tác nhân nguy hiểm gây tiêu chảy, điển hình là Rotavirus. Loại virus này thường tấn công vào trẻ em và dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như sốt cao, mất nước,...
Bệnh đường ruột gây ra bởi ký sinh trùng
Những vùng sau mưa lũ thường bị ô nhiễm bởi ký sinh trùng do nước lũ mang theo chất thải, vi khuẩn,... Trong đó, một vài loại ký sinh trùng cực kỳ nguy hại với sức khỏe con người là amip – gây ra bệnh lỵ amip hay giun sán gây rối loạn đường ruột.
Bệnh xuất huyết
Bệnh xuất huyết với các triệu chứng như sốt, vàng da, chảy máu do vi khuẩn Leptospira gây ra. Đây là loại vi khuẩn có trong nước tiểu của loài chuột bị nhiễm Leptospira. Khi loài chuột này bài tiết nước tiểu ra ngoài, nước lũ sẽ mang theo mầm bệnh và truyền sang con người qua da, niêm mạc.
Điều quan trọng nhất để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ là giữ gìn vệ sinh môi trường sống xung quanh, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt. Nếu mưa lũ ngập sâu và kéo dài thì việc giải quyết nguồn nước sạch cho người dân là không hề đơn giản. Do đó, các cơ quan y tế tại địa phương cần kết hợp chặt chẽ với người dân để làm sạch nguồn nước.
Nếu những vùng này chưa sử dụng nước máy, thì cán bộ y tế cần hướng dẫn người dân sát trùng sạch sẽ giếng, thau, chậu chứa nước bằng Cloramin B. Ngoài ra, cũng cần xử lý hiệu quả chất thải, nhất là các loại chất thải chứa nhiều mầm bệnh như: phân, rác thải, nước tiểu, chất thải bệnh viện,... tránh để mầm bệnh lây lan ra môi trường xung quanh.
Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền cho người dân về việc thực hiện phòng bệnh sau mưa lũ, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, ăn chín, uống sôi, không tắm hay ngâm mình tại sông suối, khơi thông ao tù, nước đọng, dọn rác trong nhà và ngoài xóm để môi trường sống thoáng đãng, nhằm ngăn ngừa tối đa mầm bệnh.
Bên cạnh đó, người dân hãy đến các cơ sở y tế để tiêm phòng vắc xin phòng bệnh đường ruột sau mưa lũ. Nếu có bất kỳ trường hợp nào xuất hiện các triệu chứng của bệnh thì cần tới ngay trạm y tế để điều trị và cách ly kịp thời.