Thứ tư, 13/11/2024 | 11:00
RSS

Nhức nhối App giả mạo, lừa đảo trực tuyến

Thứ tư, 13/11/2024, 10:59 (GMT+7)

Dù đã tạm lắng xuống một thời gian, thế nhưng tình trạng lừa đảo tài chính qua giao dịch trực tuyến tiếp tục tái diễn, với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Bằng việc lợi dụng công nghệ mới, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng các ứng dụng (App) giả mạo, sau đó tạo hóa đơn hoặc lệnh chuyển tiền thật, từ đó chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Anh M.C. (trú quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, mới đây tài khoản thẻ “VISA Signature” của anh tại một ngân hàng, với hạn mức 500 triệu đồng đã bị đối tượng lừa đảo thực hiện 54 lệnh rút tiền trực tuyến, với nhiều giao dịch khác nhau. “Buổi sáng khi thức dậy, tôi tá hỏa kiểm tra điện thoại, và phát hiện tin nhắn thông báo có nhiều lệnh chuyển tiền vào khoảng 1 giờ sáng. Rất may, khi liên hệ ngân hàng thì chỉ có 2 lệnh được đối tượng lừa đảo rút thành công, còn lại ngân hàng phát hiện bất thường đã tạm đưa các lệnh trên đưa vào tình trạng lệnh treo” - anh M.C. nói.

Đối với trường hợp bà Đ.D.L. (67 tuổi, trú TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương), tạm trú tại TPHCM) cho biết, gần đây đã mất toàn bộ số tiền chuyển khoản qua ngân hàng do bị dẫn dụ vào chiêu trò “tư vấn bán sản phẩm đau nhức xương khớp” qua một trang mạng. Theo bà D.L., do bị bệnh xương khớp mãn tính, bà thường xem các video quảng cáo liên quan đến loại bệnh nan y này. Khi bấm vào link liên kết, trang web hiện lên dữ liệu giả để “khách hàng” nhập thông tin (địa chỉ, tên, số tài khoản...) liên quan đến “mua hàng”. Do không am hiểu công nghệ và cảnh giác ban đầu nên bà D.L. đã tin tưởng làm theo. Khi đã chuyển tiền thành công, đơn hàng đã “không hiển thị” dù bà đã nhiều lần tải lại hiển thị đăng nhập lúc đầu. Nghi ngờ mình bị lừa, bà D.L. đã liên hệ cơ quan Công an để tố giác tội phạm…

Theo thống kê mới đây của Chi hội thẻ Ngân hàng (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), hiện nay có 24 hình thức lừa đảo tinh vi trong giao dịch thẻ, thanh toán nội địa, bằng việc giả mạo ứng dụng để chiếm quyền kiểm soát thiết bị (máy tính, điện thoại di động...). Đáng chú ý, nhiều nạn nhân bị đối tượng lừa đảo bằng cuộc gọi video Deepface, Deepvoice hoặc giả mạo biên lai chuyển tiền; giả danh công ty tài chính; cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ hoặc giả mạo website; đánh cắp tài khoản mạng xã hội nhắn tin lừa đảo...

Gần đây, nhiều người sử dụng mạng xã hội còn bị đánh cắp thông tin dữ liệu Căn cước công dân, thông tin cá nhân. Sau khi bị lừa mất tiền, nạn nhân còn bị đối tượng lừa đảo trực tuyến tiếp tục lừa để lấy lại tiền. Với các hành vi lừa đảo trực tuyến tinh vi đã khiến có nạn nhân mất số tiền lớn và rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Chia sẻ về nạn dùng ứng dụng ngân hàng, hóa đơn chuyển tiền giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân, Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM cho biết, trong nhiều vụ việc, đối tượng lừa đảo trực tuyến đã tìm cách tiếp cận nạn nhân bằng cách chạy quảng cáo, phát tán tin nhắn mạo danh ngân hàng hoặc mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho nạn nhân. Cơ quan Công an khi điều tra cũng gặp nhiều khó khăn khi kịch bản lừa đảo được các đối tượng liên tục thay đổi để đối phó. Trong đó, kịch bản lừa đảo thường được sử dụng là mời nâng cấp thẻ tín dụng; vay tiền trực tuyến với thủ tục dễ dàng, lãi suất thấp; thông báo tài khoản ngân hàng phát sinh giao dịch đáng ngờ hoặc giả công an hướng dẫn người dân cập nhật sinh trắc học…

Nhiều trường hợp người dân khi đến công an trình báo cho biết, đã bị các đối tượng lừa đảo dẫn dụ, thậm chí thao túng tâm lý khiến nạn nhân dễ dàng cung cấp các thông tin đăng nhập, mật khẩu, mã OTP xác thực... Đây là những thông tin để các đối tượng lừa đảo trực tuyến rút được tiền thật của chủ thẻ/App ngân hàng. Nhiều nạn nhân còn bị các đối tượng dẫn dụ cài đặt ứng dụng giả mạo ngân hàng trên điện thoại thông minh. Các ứng dụng này có chứa mã độc nên dễ bị chiếm quyền điều khiển điện thoại. Sau đó, đánh cắp thông tin và giúp đối tượng lừa đảo từ xa thực hiện các lệnh chuyển tiền trực tuyến để chiếm đoạt tài sản.

Thượng tá Nguyễn Thăng Long cho biết, để tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, nhất là qua ứng dụng ngân hàng, người dân cần chú ý bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân, tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn (link) website không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, người dân chỉ nên cài đặt các ứng dụng từ các nguồn chính thức của hệ điều hành điện thoại (Appstore của IOS; CH Play của Android). Khi có dấu hiệu nghi ngờ, phải chủ động phối hợp với ngân hàng (đường dây nóng) hoặc cơ quan chức năng nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết theo quy định.

LÊ ANH
Theo Đại Đoàn Kết