Ít ai biết trong quá khức, Đông Nam Á từng có đội tuyển lọt vào chung kết và giành ngôi Á quân Asian Cup, đó là Myanmar. Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, Myanmar không chỉ là thế lực của bóng đá Đông Nam Á mà còn là thế lực của bóng đá châu Á.
Ngay ở lần đầu tiên tham dự Asian Cup năm 1968, Myanmar đã giành ngôi Á quân. Năm đó giải đấu được tổ chức ở Iran, với sự tham dự của 5 đội tuyển, thi đấu vòng tròn tính điểm. Myanmar về nhì sau 2 trận thắng (1-0 Israel, 2-0 Hồng Kông), 1 trận hòa (1-1 Trung Quốc) và 1 trận thua (1-3 Iran).
Đây là thành tích tốt nhất của một đội bóng ĐNÁ tại đấu trường châu lục, đồng thời là lần duy nhất Myanmar góp mặt Asian Cup.
Trong khi đó, Thái Lan có lần thứ 7 dự giải đấu châu lục, là đội bóng Đông Nam Á có số lần tham dự Asian Cup nhiều nhất. Và thành tích tốt nhất mà bóng đá xứ chùa Vàng có được đến lúc này là hạng Ba năm 1972 khi họ là chủ nhà của giải đấu.
Asian Cup 2019 được dự báo vô cùng kịch tính hấp dẫn. Ảnh: Zing
Cũng trong năm nay, ở bảng đấu khác nhánh với Thái Lan, Campuchia lần đầu tiên dự giải cũng đã tạo nên kỳ tích khi đánh bại Kuwait 4-0 ở lượt trận thứ 2 (lượt đầu thua Hàn Quốc 1-4) để có được ngôi nhì bảng đấu và giành vé vào bán kết và cuối cùng giành hạng Tư Asian Cup 1972 giúp đội bóng xứ Angkor đứng trên nhiều đội bóng khác của khu vực như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Singapore.
Malaysia tham dự 3 kỳ Asian Cup liên tiếp vào năm 1976, 1980 và 2007, song cả ba lần người Mã đều không vượt qua vòng bảng.
Indonesia cũng chưa một lần vượt qua vòng bảng Asian Cup dù đã có 4 lần tham dự, nhiều thứ 2 khu vực (sau Thái Lan). Đội bóng xứ vạn đảo góp mặt 4 lần tiếp từ 1996 đến 2007.
Singapore là chủ nhà của Asian Cup 1984 và đó cũng là giải đấu duy nhất đội bóng "Sư tử biển" góp mặt đến lúc này, nhưng họ cũng không vượt qua vòng bảng sau 1 trận thắng (2-0 Ấn Độ), 1 trận hòa (1-1 Iran) và 2 trận thua (0-2 Trung Quốc 0-1 UAE).
Năm 2007 Việt Nam lần đầu tiên góp mặt ở sân chơi châu lục nhờ là đồng chủ nhà của giải đấu. Trên sân Mỹ Đình, Việt Nam tạo ra cú sốc khi đánh bại UAE 2-0 trong trận ra quân. Sau đó cầm hòa Qatar 1-1 và dù thua Nhật Bản 1-4 ở trận đấu cuối cùng, Việt Nam vẫn giành quyền vào tứ kết.
Tại vòng tứ kết, thầy trò HLV Alfred Riedl thua Iraq 0-2. Sau đó Iraq cũng lần đầu tiên lên ngôi vô địch giải đấu. Thành tích vào tứ kết năm 2007 giúp Việt Nam đứng sau Myanmar, Thái Lan, Campuchia về thành tích tại giải châu lục.