Thứ bảy, 20/04/2024 | 15:35
RSS

Nhiều người bị nhiễm trùng, viêm hoại tử sau khi đắp thuốc nam chữa vết thương

Thứ ba, 26/07/2022, 07:24 (GMT+7)

Chỉ trong vòng 1 tháng, khoa Chấn thương - Bỏng Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận, điều trị cho 12 trường hợp bị nhiễm trùng, viêm hoại tử vết thương do đắp thuốc nam.

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong vòng 1 tháng qua, khoa Chấn thương - Bỏng của bệnh viện này đã tiếp nhận, điều trị cho 12 trường hợp bị nhiễm trùng, viêm hoại tử vết thương do đắp thuốc nam.

Trong đó, có nhiều bệnh nhân phải thực hiện phẫu thuật ghép da; có ít nhất 3 bệnh nhân bị viêm hoại tử xương rất nặng nề, gây ảnh hưởng đến vận động, thậm chí có thể tàn phế. Các loại lá cây, thuốc nam mà bệnh nhân sử dụng để điều trị vết thương là theo kinh nghiệm truyền miệng hoặc do thầy lang đắp cho.

Điển hình là trường hợp bệnh nhân H.T.L. (44 tuổi, ở TP Lạng Sơn) bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người nhiều năm nay. Nghe theo lời mách, bệnh nhân mời một người thầy lang đến nhà điều trị bằng thuốc nam.

Trong khi xông lá, bệnh nhân không may bị bỏng nước sôi nhưng thay vì đến cơ sở y tế điều trị vết bỏng, bệnh nhân tiếp tục tin tưởng thầy lang, đắp các loại lá cây và lông nhím để điều trị bỏng. Sau 1 tuần đắp thuốc nam, vết bỏng của bệnh nhân càng loét rộng, nóng rát, sưng nề tấy đỏ, lúc đó người bệnh mới nhập viện điều trị.

Qua thăm khám, bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm trùng, hoại tử vết bỏng. Do vết bỏng khuyết da rộng, khó liền nên bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật cắt lọc tổ chức viêm hoại tử sau đó thực hiện kỹ thuật ghép da (lấy da vùng đùi ghép vào vết bỏng khuyết da). Hiện nay vết thương của bệnh nhân tiến triển tốt, đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại bệnh viện.

Nhiều người bị nhiễm trùng, viêm hoại tử sau khi đắp thuốc nam chữa vết thương

Hiện nay vết thương của bệnh nhân L. tiến triển tốt, đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn

Một trường hợp khác là bệnh nhân P.V.K. (16 tuổi, ở Cao Lộc, Lạng Sơn) vào viện do xuất hiện vết loét, chảy dịch sau khi phẫu thuật kết hợp xương đùi. Cách đây khoảng 7 tháng, bệnh nhân gặp chấn thương, đã phẫu thuật kết hợp xương đùi trái. Sau khi xuất viện, gia đình nghe theo lời mách của người quen lấy thuốc nam đắp vào vết mổ để xương mau liền.

Tuy nhiên sau khoảng 1 tuần đắp thuốc, vết mổ của bệnh nhân càng loét rộng, chảy dịch nên mới được đưa đến bệnh viện. Hình ảnh chụp X-quang cho thấy bệnh nhân bị viêm hoại tử xương đùi trái, đây là một tổn thương vô cùng nặng nề đối với bệnh nhân. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật tháo phương tiện kết hợp xương và nạo viêm xương sau đó tiếp tục cố định lại xương bằng khung ngoại vi cho người bệnh.

Các bác sĩ nhận định, do phần xương của bệnh nhân bị hoại tử phải loại bỏ nhiều nên sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình liền xương sau phẫu thuật, gây ảnh hưởng đến vận động, thậm chí có thể gây tàn phế. Sau khi hồi phục sức khoẻ, bệnh nhân sẽ phải tiếp tục thực hiện phẫu thuật ghép xương mới có cơ hội đi lại được.

Theo các bác sĩ khoa Chấn thương – Bỏng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua vẫn có không ít trường hợp lựa chọn tin vào lời mách, tin đồn, dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc dù trước đó đã có rất nhiều cảnh báo về việc người dân tự sử dụng thuốc nam đắp vào vết thương để chữa trị theo mẹo dân gian dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử.

Để tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự điều trị các vết thương tại nhà khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ, nhất là đối với những trường hợp điều trị bằng các phương pháp dân gian như đắp lá. Đây là những phương pháp chưa được khoa học kiểm chứng, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ có thể khiến cho tình trạng trầm trọng hơn. Ngoài ra, khi gặp các chấn thương hãy đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để nhận được tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại