Thứ năm, 28/03/2024 | 22:59
RSS

Nhiễu loạn thông tin quanh khu xử lý chất thải Đa Phước

Thứ bảy, 24/06/2017, 08:42 (GMT+7)

Trong suốt thời gian dài, những thông tin về “mùi hôi”, “giá rác”, “công nghệ” lạc hậu … tại khu liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước liên tục được tung ra trên dư luận thanh tra, cơ quan chuyên môn cũng như báo chí.

Tố cáo thiếu căn cứ

Mới đây nhất, ngày 14/12/2016, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ Tướng Thường Trưc Chính Phủ Trương Hòa Bình về việc phản ảnh, tố cáo của công dân Đoàn Văn Đức liên quan đến dự án đầu tư, xây dựng và vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước tại huyện Bình Chánh - TP HCM. Từ tố cáo của ông Đức, Thanh tra Chính phủ cũng đã vào thanh tra khu xử lý chất thải  này. 

Đây không phải là lần đầu tiên ông Đức lên tiếng về những dấu hiệu sai phạm tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Cty VWS) mà trước đó, hàng loạt thông tin bất lợi cho chủ đầu tư khu xử lý chất thải này cũng được ông Đức gửi đến cơ quan chức năng tại TP HCM.

Tuy nhiên, gần như các cáo buộc sai phạm của ông Đức đã bị cơ quan quản lý bác bỏ, thiếu căn cứ. Cụ thể, các nội dung mà ông Đức tố cáo là việc TP HCM trả trước cho Cty VWS 9 triệu USD sai luật, đơn giá xử lý rác, việc đóng cửa bãi chôn lấp Phước Hiệp để chuyển rác về Cty VWS xử lý, công nghệ đầu tư của dự án lạc hậu…

Những nội dung mà ông Đức tố cáo đã được UBND TP HCM giải trình với Văn phòng Chính phủ với cơ sở pháp lý vững chắc. Đối với việc trả trước 9 triệu USD, TP HCM khẳng định đây là khoản chi phí xử lý rác mà thành phố trả trước cho nhà đầu tư để làm giảm chi phí xử lý rác từ 17,77USD/tấn xuống còn 16,4 USSD/ tấn. Nhà đầu tư đã chấp nhận nguyên tắc do UBND đề ra là khoản tiền này sẽ chỉ dùng vào xây lắp các công trình kết cấu hạ tầng dự án…

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân thị sát khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước 

Về đơn giá xử lý rác, UBND TP cho biết không có cơ sở để xác định đơn giá “chôn rác” vào thời điểm đó chỉ từ 5-7USD/tấn như phản ánh của ông Đức. Đặc biệt, theo phản ánh của ông Đức, tại văn bản số 7279 ngày 10/11/2005, UBND TP HCM trực tiếp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, không thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án xây dựng vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước…

Trái ngược với quy kết của ông Đức, UBND TP HCM khẳng định nội dung ông Đức phản ánh là không chính xác, bởi công văn số 7279 này UBND TP đã báo cáo giải trình Thủ tướng Chính phủ về các nội dung đã được Bộ KH&ĐT nêu tại công văn số 7334 ngày 24/10/2015.

Không ăn được nên… đạp đổ

Lật lại hồ sơ mới thấy, sự “nhiệt tình” của ông Đức trong việc “phơi bày” các dấu hiệu bê bối của Công ty VWS cũng có thể xuất phát từ bất đồng trong làm ăn trước đó.

Theo tài liệu mà phóng viên có được, năm 2003, Công ty cổ phần Xây dựng Đức Hạnh do ông Đoàn Văn Đức làm giám đốc được UBND TP HCM và tỉnh Long An đồng ý chủ trương lập dự án xử lý rác (XLR) 1.760ha tại Huyện Thủ Thừa tỉnh Long An. Đây có thể coi là dự án đầu tay của ông Đức trong lĩnh vực XLR. Bởi vậy, Công ty cổ phần Xây dựng Đức Hạnh đã bắt tay với Công ty California Waste Solutions - CWS (một công ty chuyên ngành xử lý chất thải tại Mỹ) đại diện là ông David Dương để thực hiện dự án xử lý rác 1.760 ha tại Huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Khu xử lý rác thải Đa Phước nhìn từ trên cao

Thế nhưng, sự “bén duyên” giữa ông Đức và ông David Dương chẳng được bao lâu thì tan vỡ. Ngày 27/11/2003, Công ty cổ phần Xây dựng Đức Hạnh có văn bản số 123 chấm dứt hợp tác với ông David Dương. Theo lời của ông Đức thì việc công ty Đức Hạnh chấm dứt hợp tác là do ông David Dương không tán thành mô hình xử lý rác áp dụng cho dự án xử lý rác 1.760 ha tại Huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Trong khi đó, phía ông David Dương lại cho rằng, ông Đoàn Văn Đức không muốn ông David Dương tham gia giai đoạn đầu của dự án, bởi ông Đức đã thuê một công ty tư vấn lập dự án và sẽ nạo vét hết 1.760ha đất với chiều sâu 8m. Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực XLR, ông David Dương nhận thấy, việc đào hố sâu 8m (sâu hơn mặt nước ngầm) thì khó có thể thực hiện được dự án. Hơn thế, việc ông Đức múc đất dự án đi bán thì tiền sẽ về túi ai? Chính vì những lý do đó, ông David Dương đã quyết định không hợp tác với ông Đoàn Văn Đức.

Sau khi “đường ai nấy đi”, vào năm 2005, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) do ông David Dương thành lập tại Việt Nam được UBND TP HCM giao làm chủ đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước tại huyện Bình Chánh và đi vào hoạt động từ năm 2007. Trong khi đó, dự án XLR 1.760ha tại Huyện Thủ Thừa được UBND TP.HCM và tỉnh Long An giao cho Công ty cổ phần Xây dựng Đức Hạnh lập dự án vẫn “án binh bất động”. Chính vì vậy, năm 2010, UBND TP.HCM đã đề nghị công ty VWS tiếp tục đầu tư vào dự án XLR 1.760ha tại Thủ Thừa.

Sau đó, công ty VWS của ông David Dương được Bộ Xây dựng phê duyệt làm chủ đầu tư và đổi tên dự án thành “Khu công nghệ Môi trường xanh” với công suất có thể tiếp nhận và xử lý 40.000 tấn chất thải các loại/ngày và tổng mức đầu tư dự kiến gần 500 triệu USD. Cũng chính từ đây, mâu thuẫn giữa ông David Dương và ông Đoàn Văn Đức bắt đầu nảy sinh.

Liên tục trong nhiều năm, ông Đoàn Văn Đức có đơn tố cáo về dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước đến các cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Điển hình như tháng 4/2016, ông Đức có đơn tố cáo gửi Văn phòng Chính phủ. Sau đó, UBND TP HCM đã có công văn số 4976 để giải trình vụ việc. Theo công văn này, những nội dung ông Đức tố cáo tương tự các nội dung đã được UBND TP.HCM giải trình tại công văn số 6940 tháng 11/2015, các nội dung tố cáo đều không có cơ sở.

Theo dữ liệu đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đoàn Văn Đức là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Xây dựng Đức Hạnh và Công ty cổ phần Xây dựng Đức Hạnh, lần lượt được thành lập năm 1992 và 2001. Ngành nghề kinh doanh chính của hai công ty này là Khai thác đất đá cát sỏi; Sản xuất kinh doanh các loại vật liệu, vât tư xây dựng; Thi công san lấp mặt bằng, xây dựng các công trình cầu đường và thủy lợi; Thi công xây dựng công nghiệp và dân dụng; Dịch vụ vận tải, giao nhận hàng hóa thủy bộ và bốc xếp san mạn tàu.

Cần phải nhắc lại vụ việc UBND TP HCM giao cho Công ty cổ phần Xây dựng Đức Hạnh thực hiện dự án xử lý rác thải đặt tại xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An (dự án XLR 1.760ha), ngay sau đó Ngân hàng TMCP các doanh nghiệp ngoài quốc doanh VN (VPBank) có văn bản gửi tới UBND, Sở giao thông - Công chánh và Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM để cảnh báo về tình hình tài chính doanh nghiệp do ông Đoàn Văn Đức sở hữu. Tại văn bản này, VPBank nhắc đến khoản nợ “dai dẳng” của Công ty TNHH Xây dựng Đức Hạnh kéo dài trên 2 năm, mặc dù quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Vụ việc này cũng đã được 1 số cơ quan truyền thông lúc đó đăng tải.

Trong một diễn biến khác, năm 2006, hai công ty của ông Đoàn Văn Đức bị Công ty Veil Infrastructure Limited kiện đòi khoản vay: 1.549.750USD, lãi vay và lãi phạt tính đến ngày 30/4/2005 là 593.271USD và 455.831USD. Tổng cộng là 2.598.852USD.

Ngày 24/8/2016, Tòa án nhân dân TP HCM đã xét xử sơ thẩm vụ việc trên. Tại phiên xét xử này, TAND TP HCM buộc Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh và Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh phải liên đới chịu trách nhiệm trả cho Công ty Veil Infrastructure Limited 2.764.804,75USD. Trong đó có khoản vay: 1.549.750USD, lãi vay và lãi phạt tính đến ngày 23/8/2006 là 715.959USD và 499.095,75 USD.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến tố cáo của ông Đoàn Văn Đức, Cty VWS cho biết ông Đức hoàn toàn không liên quan gì đến các hoạt động xử lý chất thải của VWS, ông Đức cũng không có bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh hay đầu tư nào tại khu vực xã Đa Phước, nơi nhà máy của VWS hoạt động. Văn bản này nhận định, hành vi tố cáo của ông Đức về VWS chỉ là sự ganh tị hoặc cạnh tranh không lành mạnh.

Từ những tố cáo của ông Đức, đơn vị thanh tra cũng đã vào làm việc mà theo VWS là đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của các chuyên gia, kỹ sư và công nhân cũng như hoạt động của khu liên hợp. Trong thời gian bị thanh tra, ban giám đốc VWS không thể đi nước ngoài công tác theo quy định, mọi hoạt động tại các phòng ban bị xáo trộn vì nhiều nhân viên phải làm việc với cán bộ thanh tra.

Phía VWS cũng khẩn cầu Thủ tướng Chính phủ giải quyết vụ việc dứt điểm để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, làm tốt công việc của mình đối với dự án và quê hương.

 

 

 

Thủy Tiên
Theo Bảo Vệ Pháp Luật