Thứ sáu, 19/04/2024 | 22:26
RSS

Nhà báo 90 tuổi: Trái tim còn đập, tôi còn viết...

Thứ sáu, 21/06/2019, 07:43 (GMT+7)

Dù đã 90 tuổi, nhưng nhà báo cách mạng Nguyễn Thế Viên (ảnh), trú ở xóm Đông Phú, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) vẫn rất còn minh mẫn, hoạt bát. Với chặng đường dài làm báo của mình, ông đã đúc kết một điều rằng, luôn lắng nghe để thấu hiểu, nhạy bén để nắm bắt thời đại... và phải có một cái tâm trong sáng.

Nghề báo không có chuyện nghỉ hưu

Những ngày đầu tháng 6/2019, trong một chuyến công tác tình cờ tại huyện Yên Thành,  PV Báo NTNN đã được nghe kể câu chuyện về một nhà báo lão thành, một nhà báo cách mạng dù đã bước sang tuổi 90 nhưng ông vẫn còn minh mẫn, vẫn viết báo, đọc sách vẫn theo dõi tình hình thời sự trong nước và quốc tế diễn ra hàng ngày.

Nhà báo 90 tuổi: Trái tim còn đập, tôi còn viết...

Nhà báo cách mạng Nguyễn Thế Viên với bút danh Trường Sơn đang tranh thủ cho đàn gà của gia đình ăn. Ảnh: C.T

Trong ngôi nhà tình nghĩa “Điện Biên Phủ” được Nhà nước trao tặng, ông bắt đầu kể về những câu chuyện của cuộc đời làm báo mình.

Nhà báo Nguyễn Thế Viên sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, giàu truyền thống cách mạng ở xóm Đông Phú, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Ông Viên tâm sự: “Ở cái tuổi “thập cổ lai hy” này rồi, đôi mắt cũng mờ dần, tóc bạc, răng rụng... nhưng còn sống thì còn cống hiến vì nghề báo không có chuyện nghỉ hưu. Nếu muốn nghỉ hưu thì anh em đừng bao giờ nghĩ đến làm báo...”.

Ông Viên tâm sự, ông là anh cả trong gia đình đông anh chị em, gia đình thời điểm đó rất nghèo, không đủ ăn. Năm chưa đầy 20 tuổi, ông  Nguyễn Thế Viên tình nguyện đi thanh niên xung phong và sau đó đi lính và tham gia chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ.

"Học xong THPT (lúc bấy giờ là lớp 7) ông nhập ngũ, nhưng nhờ sự tìm tòi học hỏi, lại có năng khiếu viết báo bẩm sinh nên, ông đơn vị đã cử đi tham gia khóa học nghiệp vụ báo chí ở Trường Đại học tổng hợp Hà Nội sau đó về đầu quân làm phóng viên ở Báo Quân đội Nhân dân với bút danh Trường Sơn".

Cũng từ đó, nghề báo đã đến với ông như một sợi chỉ xuyên suốt cả cuộc đời, hoàn cảnh bấy giờ rất khốc liệt giữa chốn đạn bom nên anh, em báo chí cũng là những chiến sĩ hàng đầu.

Nhớ lại kỷ niệm xưa, ông Viên bồi hồi: “Điện Biên Phủ lúc bấy giờ anh thồ, chị vác, máu trộn bùn non, ngày ba bữa cháo bẹ măng tre... những hy sinh thầm lặng nhưng họ đã làm nên lịch sử..., và lịch sử cần được ghi nhận trong trên từng trang báo và từng cuốn sách...”.

Trái tim còn đập, tôi còn viết...

Hoàn cảnh đó chính là một cái duyên đưa ông đến với con đường báo chí, mà Bác Hồ từng nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ...".  Lời dạy của Bác đã thấm nhuần trong tôi từ thuở ấy, ông Viên nói.

Cũng từ đấy những tác phẩm của ông đã ra đời như: “Những người mở lối” (1954), “Gió đại phong” (1961) hay “Tây Nguyên trong lòng Tổ quốc”... là những tác phẩm ghi lại hai cuộc chiến tranh ác liệt của tổ quốc. “Mặt trận là nhà, bom đạn là sự kiện. Chỉ có máu và nước mắt là hai thứ đau khổ nhất phải chảy, mà chỉ có ngòi bút mới nói lên được tất cả...”- ông Viên tâm sự.

Trở lại với cuộc sống hòa bình, trở về chốn quê thanh bình từ thời trai trẻ, nhà báo Trường Sơn có cuộc sống điền viên bên con cháu và gia đình. Với ông thời gian là vàng, lao động nghệ thuật, là một niềm vui lớn lao. Hình ảnh cụ già với mái tóc bạc, râu dài hàng ngày vẫn rong ruổi khắp chốn làng quê ấy đã trở nên quen thuộc với những người dân quê lúa Yên Thành.

Hàng ngày ông vẫn trên chiếc xe đạp điện đi qua từng ngõ nhỏ, xóm làng hăng say hoạt động làm thơ, làm báo… Với ông đó là niềm vui lớn nhất của cuộc đời. Ông đã né tránh cuộc sống hào quang ở chốn thành thị cùng vợ con để về với vùng quê yên bình, nuôi gà và chơi với những đứa trẻ.

 

Hiện nay, dù ông đã 90 tuổi, nhưng ông vẫn đảm trách công việc Chủ tịch hội thơ Đường của huyện Yên Thành. Với ông, dù tuổi đã thành “lão” rồi, nhưng sẽ còn làm báo khi trái tim còn đập, chân còn đi được, tay còn viết được...
Cảnh Thắng
Dân Việt