Chủ nhật, 19/01/2025 | 05:51
RSS

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến phản hồi về "biệt phủ"

Thứ tư, 25/10/2017, 21:10 (GMT+7)

Ông Bùi Cách Tuyến, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ Úc điện thoại đến Báo Người Lao Động phản hồi về thông tin ông sở hữu "biệt phủ" ở vùng ven TP HCM.

Tối 25/10, từ Úc, GS-TS Bùi Cách Tuyến, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), đã chủ động gọi điện thoại đến Báo Người Lao Động phản hồi về bản tin: "Xôn xao biệt phủ của "quan" về hưu".

Ông Tuyến nói: "Tôi đang qua nước ngoài để thăm con thì nghe thông tin mình sở hữu biệt phủ nên phải lên tiếng để dư luận hiểu rõ".

Ông Bùi Cách Tuyến nói về biệt phủ

- Phóng viên: Vậy, căn nhà tại huyện Hóc Môn, TP HCM có thuộc sở hữu của ông?

Ông Bùi Cách Tuyến nói về biệt phủ 1
Ông Bùi Cách Tuyến, Nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT​

Ông Bùi Cách Tuyến: Nói thật, lúc trước tôi làm giáo viên và giảng dạy, năm 2008 được mời ra Bộ TN-MT.

Hồi trước đến giờ, tôi đều lo làm việc Nhà nước, còn về kinh tế đều do vợ đảm trách.

Năm 2013, khi tôi còn làm tại Bộ TN-MT, vợ tôi mua khu đất ruộng 7.000 m2 ở vùng ven huyện Hóc Môn. Lúc đó có kê khai tài sản theo quy định pháp luật

Năm 2015, tôi về hưu nên vào TP HCM tiếp tục công tác giảng dạy tại Trường ĐH Nông Lâm. Lúc này, vợ chồng tôi bắt đầu bỏ tiền ra xây dựng căn nhà. Nói thật, lúc bấy giờ là giáo viên thì không còn phải kê khai gì nữa.

* Ông có thể cho biết giá trị khu đất và căn nhà sở hữu xây dựng?

- Anh biết rồi đó, khu đất ấy là đất ruộng mà nằm ở tận Hóc Môn thì giá rẻ rồi. Về căn nhà tôi sở hữu chỉ rộng 120 m2, một trệt, một lầu thì giá đâu có nhiêu đâu.

Nếu không tin, có thể tìm Trường ĐH Nông Lâm hỏi sẽ rõ hồi tôi chưa làm hiệu phó, hiệu trưởng trường thì kinh tế gia đình tôi cũng đã khá rồi. Thật tình nếu dùng từ "biệt phủ" thì không đúng lắm.

Ông Bùi Cách Tuyến nói về biệt phủ 2

"Tôi là người đàng hoàng"

* Căn nhà ông nằm trong khu đất đến 7.000 m2 là rất lớn. Gọi là "biệt phủ" cũng có căn cứ?

- Nó là đất ruộng ở sát bờ sông chứ đâu phải đất trong TP. Coi hình có thể thấy mà. Đất ruộng mà lập vườn lên thì có gì đâu. Trong miền Nam, bạn bè tôi cũng là người trong nhà nước mà còn mua vài chục hecta đất ở Long An để làm vườn mà.

Đất nhà tôi là đất vườn, ở góc ruộng lúa, tôi tôn tạo nó lên. Giờ trồng nấm linh chi để tăng thu nhập. Có chuồng nuôi gà nữa…

* Ông có thể cho biết giá đất mua hồi đó?

+ Cái đó là bà xã lo chứ tôi cũng không để ý vì tôi làm việc ở Hà Nội

* Bà xã ông làm nghề gì?

- Bà xã tôi trước là nhân viên Trường ĐH Nông lâm TP HCM thôi.

* Vậy, ông có thể chia sẻ nguồn tài chính của gia đình ông khi ông có đủ sức mua lô đất đó?

- Tôi gốc là nhà giáo. Năm 1979, tôi tốt nghiệp Trường ĐH Nông lâm TP HCM rồi ở lại trường công tác. Sau đó, tôi là Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP HCM đến hết năm 2007. Tôi có chuyên môn và cũng có nguyện vọng là đào tạo thế hệ trẻ sau này. Năm 2008, Bộ trưởng Bộ TN-MT mời tôi ra bộ làm thì tôi có ra một thời gian rồi vô lại dạy học sau khi nghỉ hưu...

* Ông nói kinh tế gia đình ông đã khá từ trước rồi. Vậy, ông có thể khẳng định lại chắc chắn rằng không phải nhờ làm việc và "tích luỹ" ở Bộ TN-MT với vai trò Thứ trưởng mà ông có tiền mua lô đất đó?

- Có thể có vài nguồn tin sai lạc khiến anh em phóng viên nghĩ như thế thì oan cho tôi, không đúng! Giờ có những người làm bậy bạ, tham nhũng. Còn tôi là thầy giáo đứng đắn, trước giờ ai cũng biết. Tôi tự lo mọi thứ ngay từ đầu, từ hồi mới ra trường, tức là năm 1979 đến giờ. Những chuyện này trong trường tôi người ta biết hết chứ có gì đâu. Hỏi nhân viên Bộ TN-MT thì người ta cũng biết tôi là người đàng hoàng trong các mặt về năng lực cũng như về đối nhân xử thế và công việc khác liên quan bên ngoài.

* Trước đây, ngoài dạy học, ông còn làm gì khác để có thu nhập?

- Nhiều lắm. Nhất là bà xã tôi. Làm để sinh sống từ năm 1979, rất nhiều thứ, "tay trái nuôi tay mặt", chứ không phải dựa vào đồng lương nhà nước đâu. Lăn lộn trong cuộc sống để có thể phục vụ cho nhà nước.

* Giờ về hưu, ông có làm gì khác?

- Tôi về hưu thì lại dạy học tại Trường ĐH Nông lâm TP HCM. Ngoài thời gian dạy học thì làm vườn.

Lê Phong - Phương Nhung
Theo Người lao động