Ngày 11/4, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia có buổi làm việc với Hội chữ thập đỏ thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Trong chuyến công tác này, Trung tâm đã mang theo những chiếc thẻ đăng ký hiến tặng mô/ tạng của các cá nhân tại khu vực Tam Điệp. Khi biết thông tin này, chị Phạm Thị Huê đã tranh thủ buổi chợ để đến nhận chiếc thẻ mà chị đang chờ đợi.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc trao tặng thẻ đăng ký hiến mô/ tạng cho chị Huê.
Chị Huê làm nghề bán gà tại chợ Đồng Giao (Thành phố Tam Điệp). Chị tâm sự, việc đăng ký hiến tặng mô/ tạng đã được chị chia sẻ với gia đình và một số người bạn. Nhiều người ủng hộ chị nhưng cũng có ý kiến gièm pha. Tuy nhiên, chị đưa ra quan điểm: "Đời tôi toàn nhận được giúp đỡ mà tôi cũng chưa giúp được gì mấy cho ai. Tôi chỉ nghĩ, nếu mình chẳng may mà chết thì giúp được ai cái gì thì giúp. Tôi vẫn tâm niệm lời các cụ nhà ta dạy là "cứu một người phúc đẳng hà sa". Tôi thấy nếu chết mang thiêu thì phí lắm, chẳng còn cái gì cả. Nên thân thể còn gì thì tặng hết".
Chị Huê vội vã về cho kịp bán hàng trong buổi chợ.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã trao tặng tấm thẻ đăng ký hiến tặng mô/ tạng sau khi chết/ chết não cho chị Huê và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với chị Huê cũng như tất cả những người đã đăng ký và đã hiến tặng mô tạng.
Sau khi nhận xong tấm thẻ, chị Huê lại vội vã ra về vì còn đang dở buổi chợ, hàng còn chưa bán hết. Chúng tôi đã theo chân chị ra đến nơi chị bán hàng. Chị vui mừng tâm sự với những người bạn hàng kế bên về việc mình vừa nhận được tấm thẻ đặc biệt. Điều đặc biệt là những người bạn hàng của chị đều vui vẻ ủng hộ và cho biết mình cũng sẽ đăng ký hiến tặng mô/ tạng trong thời gian tới.
Chị Huê vừa làm việc vừa nói chuyện về việc đăng ký hiến mô/ tạng với các bạn hàng.
Quan điểm sống tận hiến được người dân Ninh Bình lan tỏa trong nhiều năm qua. Tỉnh Ninh Bình nói chung và Thành phố Tam Điệp nói riêng là đều là những "địa chỉ đỏ" trong các phong trào tình nguyện, đặc biệt đay là địa phương đi đầu trong cả nước về phong trào hiến tặng mô/ tạng.
Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc nhiệt tình, tâm huyết của nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân... như Hội Chữ thập đỏ, các linh mục, hội phụ nữ địa phương.... Tại Ninh Bình đã có hàng trăm người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, có những tấm gương điển hình hiến tặng toàn bộ nội tạng khi rơi vào tình trạng chết não cứu được nhiều người.
Xem thêm clip: Ngoạn mục ca điều phối, ghép tim xuyên Việt thành công.