Năm 2001, trong lúc đang vui vẻ chuẩn bị làm đám cưới thì cô Yasutaka Chie, 25 tuổi, ở Fukuoka, Nhật Bản lại như bị sét đánh ngang tai khi được chẩn đoán đã mắc bệnh ung thư vú.
Tháng 2/2003, Chie đã hạ sinh cô con gái nhỏ Hana và coi cô bé là cả cuộc sống của mình. Vậy mà hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, khi Hana được 9 tháng tuổi, căn bệnh ung thư quái ác thêm lần nữa hành hạ người mẹ trẻ.
Tuy Chie đã gắng sức chống chọi, nhưng số phận trớ trêu lại không để cô được toại nguyện. Đến tháng 10/2006, tế bào ung thư đã lan ra khắp cơ thể Chie, khiến cho cô trở nên ốm yếu, ngay cả sức bế con cũng chẳng có.
Khi Hana lên 3, Chie bắt đầu dạy con làm những việc nhẹ nhàng như phơi quần áo, sắp xếp đồ đạc, dọn vệ sinh, chuẩn bị đồ dùng trước lúc đi học...
Người mẹ trẻ không muốn sau khi cô rời xa thế giới này, người ta sẽ nói con cô không có mẹ dạy dỗ nên không biết làm gì. Vì vậy, mặc kệ Hana có sợ hãi, có ghét bỏ hay ăn vạ thì Chie vẫn kiên trì dạy con làm việc nhà.
Vào dịp sinh nhật 4 tuổi của Hana, Chie đã tặng con một chiếc tạp dề với lời nhắn nhủ: "Nấu ăn là một việc có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con, thế nên mẹ sẽ dạy con cách dùng dao, để con có thể làm ra những món ăn. Con có thể xếp việc học hành xuống thứ 2, bởi chỉ cần con có sức khỏe có thể tự chăm sóc cho bản thân thì bất luận tương lai như thế nào, cho dù con ở đâu cũng đều có thể sống tốt."
Cứ như vậy, cô bé Hana đã bị mẹ "ép" vào bếp từ khi còn rất nhỏ. Món ăn đầu tiên mà Chie dạy con làm chính là súp miso. Chứng kiến con gái run rẩy cầm dao, dù rất đau lòng nhưng Chie vẫn cố nhẫn nhịn không ra tay giúp đỡ cô bé.
Ngoài ra, Chie còn dạy con phải luôn độc lập, luôn tự tìm ra lối đi cho riêng mình, bởi "thuyền đến đâu cầu tự nhiên sẽ thẳng". Cô cũng chỉ cho con cách ứng xử và đối diện cuộc sống: "Đừng nói xấu người khác, cũng đừng quên mỉm cười. Tất cả những lời mẹ dặn dù có khó khăn thế nào, có không thích ra sao, hay khổ sở đến đâu, Hana cũng đừng bỏ cuộc nhé!".
Hay như gần đây ở Việt Nam, câu chuyện tương tự cũng xảy ra. Những hình ảnh cậu bé 6 tuổi Mai Công Minh (Hà Nội) vào bếp làm mâm cơm cho mẹ xuất hiện trên mạng xã hội nhanh chóng nhận được rất nhiều lượt yêu thích, chia sẻ và trầm trồ từ cư dân mạng.
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, mẹ Công Minh khi đó từng tiết lộ lý do dạy con tự lập, ngay cả từ việc cơm nước, nội trợ “vốn của đàn bà” – như nhiều người nghĩ là bởi: “Ít nhất cháu sẽ không bị ỉ lại và phụ thuộc vào người khác vào bố mẹ. Không ai nói hay được tương lai nên mọi sự chuẩn bị đều là cần thiết”.
Nhiều người khen ngợi bà mẹ trẻ đã “biết lo xa”, vậy nhưng thực ra khi nói những câu ấy, ít ai ngờ, chị Thu Hồng lúc đó đang điều trị căn bệnh ung thư buồng trứng. Bạo bệnh thuyên giảm chưa được bao lâu, mới đây, chị Thu Hồng lại tiếp tục phát hiện mắc ung thư tuyến giáp.
Lại lặp đi lặp lại chuỗi ngày coi bệnh viện như ngôi nhà thứ hai, vậy nhưng chị Thu Hồng vẫn quyết tâm tiếp tục lên đường điều trị tại Bệnh viện 108. Bà mẹ trẻ cho biết “Tôi vẫn còn ham sống và muốn sống. Tôi không muốn ký ức của con sau này không còn có hình bóng mẹ”.
Cũng từ đấy, song song với việc điều trị ung thư, bà mẹ trẻ bắt đầu nghĩ đến việc dạy con, rèn con tự lập ngay từ tấm bé.
“Khi thoát khỏi án tử lần 1 là tôi thay đổi suy nghĩ, thay đổi cả cách mình yêu con. Thực ra cuộc sống rất vô thường. Dù dạy con tự lập khi nhỏ sẽ cần rất nhiều thời gian nhưng khi con đã biết làm, tôi sẽ không còn lo lắng mỗi khi nằm viện lâu, ốm đau không ai chăm cháu”
Chị Hồng và chồng rèn con rất nghiêm khắc. Từ việc ăn uống đến việc con khóc, chị và anh đều quán triệt không bao giờ nhìn phiến diện, không bênh vực con bất cứ chuyện gì nếu con làm sai. Kể cả biết việc bé làm được là ngoài khả năng, chị cũng chỉ khen trước mặt là tạm ổn.
4,5 tuổi, bé Minh thường giúp mẹ nhặt, rửa rau, bóc hành tỏi hoặc phụ giúp các công việc lặt vặt… Những lúc con vừa làm vừa chơi với đồ ăn như vậy, chị Hồng tranh thủ dạy phân biệt các loại thực phẩm hoặc chỗ đựng đồ, cách nêm nếm gia vị, nấu ăn thì làm gì trước làm gì sau một cách khoa học….