Thứ bảy, 18/01/2025 | 18:10
RSS

Người không mang họ kỳ 8: Tướng cướp đột nhập nhà tù, cứu đàn em

Thứ bảy, 11/02/2017, 09:30 (GMT+7)

Có lần, đàn em thân cận của Toọng bị bắt tạm giam sau khi gây án. Và, đích danh đại ca của hội “miền đù” đã cắt song sắt, đột nhập vào buồng giam để giải cứu đàn em.

Cắt song sắt, giải cứu đàn em

Đầu năm 1979, tên tuổi của tướng cướp Toọng cùng đàn em của y đã thực sự trở thành nỗi khiếp sợ của người dân thành Vinh và cả những tên du đãng từ vùng khác dạt vòm về đây. Những vụ trấn lột, thanh toán bằng súng ngày càng xảy ra nhiều hơn, cường độ dày hơn.

Có người còn ví von, một tiếng động trong đêm cũng khiến người dân giật mình và nghĩ ngay đến Toọng. Lực luợng công an buộc phải ráo riết vào cuộc, truy lùng tướng cướp và đàn em thân tín của y.

Người không mang họ kỳ 8 1

Chữ ký của Toọng (bên trái) và cán bộ xét hỏi trong một lần hỏi cung.

Lúc này, dường như đã biết trước lực lượng công an đang truy đuổi mình nên Toọng ít xuất hiện ở những chỗ cũ. Nhà Cát "ngọng", địa điểm mà hắn hay lui tới để hút thuốc phiện giờ đã nằm trong tầm ngắm của lực lượng công an nên Toọng đã rút về trú ngụ ở Cửa Tiền.

Ngày, y ngủ mê mệt trên một chiếc thuyền chài ven sông Cửa Tiền. Đợi đến đêm khuya, vắng người qua lại, Toọng mới lân la tụ tập đồng bọn.

Đêm tháng 1/1979, lúc này Toọng vừa bước chân lên thuyền sau một ngày lẩn trốn thì có một bóng đen chờ sẵn ở trước. Nghĩ là có người theo dõi, y vội nấp sau một bức tường của một căn nhà cấp 4 để quan sát.

Qua ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu hắt ngược từ bên kia vệ đường, Toọng nhìn rõ một người phụ nữ đang bước xuống thuyền, mắt dáo dác  như đang tìm cái gì đó. Mắt đang dán chặt vào người đàn bà mà y chưa từng gặp thì có tiếng vỗ nhẹ vào vai.

Theo phản xạ, Toọng né sang một bên, một tay nhanh chóng rút khẩu súng đã lên đạn sẵn dắt trong người. Bóng đen lí nhí, nói không nên lời trong hơi thở gấp gáp: “Em, Sơn "hảo" đây. Thằng Việt bị bắt rồi. Người yêu nó đang tìm gặp đại ca để bàn chuyện cướp ngục”.

Một thoáng rùng mình. Cướp ngục ư? Kể từ khi đặt chân vào giới giang hồ, hắn đã làm nhiều chuyện động trời, không chuyện gì là hắn không dám làm. Nhưng chuyện đột nhập nhà giam để giải cứu đệ tử thì hắn chưa bao giờ nghĩ đến.

Làm sao có thể qua mặt được công an, đột nhập vào trại giam, trong khi hắn lại đang là đối tượng chính bị công an ráo riết truy đổi. Nhưng nếu không giải cứu thằng Việt, thì sẽ bị đàn em chê cười, liệu hắn có còn xứng đáng với cái danh đại ca mà bọn đàn em vẫn đang suy tôn hay không?

Nhưng điều quan trọng nhất, Việt là một mắt xích trong “hội miền đù”, nếu không giải cứu nó nhanh, toàn bộ thông tin về băng cướp do Toọng lãnh đạo sẽ nằm ngay trên bàn công an sau khi có cuộc hỏi cung vào ngày mai. Nếu như vậy, tính mạng của hắn, của cả băng đảng “miền đù” sẽ bị đe doạ.

Đang suy nghĩ thì người đàn bà lúc nãy xuất hiện, Sơn "hảo" giới thiệu nhanh: Đây là con Hương, vợ chưa cưới của thằng Việt. Nghe tin Việt bị bắt, nó tìm đại ca cả ngày hôm nay, nhờ hội mình giải cứu thằng Việt.

Sau một ngày nghiên cứu địa bàn, nắm bắt được thông tin tên Việt bị giam tại buồng số 2, Công an Vinh, cả nhóm đã tính toán kỹ các phương án “tác chiến”.

Đồng hồ chỉ 12 giờ, Toọng cùng Sơn "hảo" dẫn theo 2 đệ tử nữa bắt đầu thực hiện việc giải cứu đàn em. Cả nhóm 4 tên men theo con đuờng mòn dẫn đến khu vực tạm giam.

Nhiệm vụ của từng người được phân công khá rõ ràng. Lợi (người Nghi Đức, huyện Nghi Lộc) dùng kìm cắt đứt dây thép gai trên tường rào. Chỉ một loáng, cả nhóm đã chui được vào được khu vực nhà tạm giữ.

Sau khi chui được vào khu vực nhà tạm giam, Toọng ra hiệu cho đồng bọn ngồi im, còn một mình y trườn đến nhà tứ giác, nơi lực lượng công an thường cắt người canh giữ. Khi đã biết người gác đã ngủ, Toọng ra ám hiệu cho đồng bọn tiến đến cổng buồng số 2 – nơi Việt bị giam giữ.

Chợ Vinh, nơi băng nhóm Toọng thường tổ chức để trấn lột, cũng là nơi sau này Toọng bị bắt giữ. Tại đây đã xảy ra nhiều cuộc đấu súng nảy lửa giữa Toọng với công an.

Tên Lợi có nhiệm vụ phá khoá của buồng giam, một tên nữa lo thám thính khu vực phía sau, xem việc cướp ngục có bị ai phát hiện hay không. Toọng và Sơn "hảo", mỗi người một khẩu súng canh chừng phía trước, nếu bị phát hiện thì nhả đạn, cản đường lực lượng truy đuổi.

Trong chớp mắt, cửa buồng giam đã bị phá. Việt và một tên lưu manh khác nhốt chung buồng số 2 nhanh chóng trườn đến bờ tường, nhẹ nhàng đu người vượt qua bờ rào rồi mất hút trong bóng đêm tĩnh mịch.

Giải cứu xong đàn em, thấy tên Việt không thể ở lại đây được lâu hơn nữa nên Toọng đã ra lệnh cho Việt ngay lập tức phải trốn ra Hà Nam Ninh trong đêm. Trước khi chia tay, Toọng dúi vào tay Việt một khẩu súng K59 để tiện cho việc chạy trốn và hoạt động sau này.

Tiếng súng trong đêm khuya và cuộc truy sát trên tàu V85

Khẩu súng mà Toọng giao cho Việt giữ lấy để “phòng thân”, sau này trở thành hung khí gây nên vụ án mạng trên chuyến tàu V85, khi Việt cố gắng hạ sát một người bộ đội để cướp chiếc đồng hồ.

Vụ việc này đã được Đậu Kim Sơn (tức Sơn "hảo")  khai rất rõ sau khi y bị công an TP. Vinh bắt giữ vào tháng 5/1979.

Người không mang họ kỳ 8 3

Một đồng bọn của Toọng

Thành (người Hải Phòng) quyết định bắt tàu chợ đi từ Ninh Bình ra Nam Định để nhập với đồng bọn tiếp tục hoạt động.

Khi đến ga Nam Định, Sơn "hảo" đã phát hiện ra tên Việt đang ở trốn trên nóc tàu. Hỏi chuyện mới biết, đêm qua, hắn vừa ra tay hạ sát một anh bộ đội bằng 2 phát súng, cướp được một chiếc đồng hồ hiệu Orien.

Theo lời Việt kể thì đêm trước đó, đang ngồi trên nóc tàu thì phát hiện một người mặc quần áo bộ đội, tay đeo đồng hồ hiệu Orien nên đã đu người xuống để giật. Vừa kịp lộn lên nóc tàu để tránh sự truy đuổi và nhảy sang toa khác thì đã thấy người thanh niên đu mình lên nóc tàu đuổi theo.

Bị truy đuổi, Việt rút súng ra bắn. Đường đạn đi trật trong tíc tắc, người thanh niên vẫn tiếp tục đuổi theo. Việt lại tiếp tục nhả đạn. Lần này anh bộ đội đã ngã quỵ xuống sau khi bị bắn một phát đạn vào bụng.

“Sống hay chết?”, Sơn "hảo" hỏi.  “Tao cũng chẳng biết. Bắn xong tao chạy luôn”, tên Việt tiếp lời. Rồi Việt kể tiếp: Khi xảy ra vụ bắn người, trên tàu lúc đó còn có một số tên lưu manh khác đang hoạt động nên chúng nó đều biết.

Sau vụ bắn người trên chuyến tàu V85, những tên lưu manh buộc phải ẩn mình, đứa thì nằm một chỗ nghe ngóng tin tức những đứa khác thì đi chỗ khác “kiếm ăn” vì công an lùng sục rất gắt gao.

Riêng tên Việt thì rủ Sơn "hảo" cùng ra Phủ Lý trốn. Sơn không đi, Việt chỉ dặn lại: “Nếu cần thì ra Phủ Lý gặp tao chứ đừng nói cho đứa nào biết”.

Sau đó cả bọn chia tay nhau, Sơn "hảo" cùng với Thành "Hải Phòng" trở về Vinh, còn tên Việt cùng 4 lưu manh khác mua vé đi Phủ Lý.

Sau này, khi băng nhóm Toọng và đồng bọn bị bắt ở Vinh, thì tên Việt cũng đã bị công an Nam Định bắt giữ và bị xử tử hình vì tội giết người, cướp giật. Còn Sơn "hảo" và Thành "Hải Phòng" tiếp tục trở lại thành phố Vinh hoạt động cướp giật, đến tháng 5/1979 thì bị bắt.

Kỳ tới: Sẵn sàng nhả đạn nếu đối tượng chống cự, sẵn sàng siết cò nếu như bị lực lượng công an truy đuổi… với 9 khẩu súng (6 khẩu K59, 2 khẩu K54, 1 khẩu Rulo), băng cướp do đại ca Toọng cầm đầu thực sự trở thành mối đe doạ đối với xã hội

Lực lượng công an, bộ đội đặc công với những trinh sát giỏi nhất đã được huy động để phá án. Rất nhiều lần giáp mặt với công an, Trương Hiền đã nhả đạn rồi tẩu thoát.

Hoàng Sang – Duy Tuấn
Theo VietNamNet