Người dân đau đớn nhìn hàng tấn cá đang đến kỳ thu hoạch chết nổi trắng mặt ao
Theo phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống quanh khu vực bãi rác Nam Sơn thuộc địa phận xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), thời gian gần đây, tại khu vực ao hồ nuôi trồng thuỷ sản bất ngờ xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt lên đến hàng tấn gây tổn hại nặng nề về kinh tế cho người dân.
Chỉ tay về phía hồ cá có diện tích lên đến 18.000m2 vừa xảy ra tình trạng gần 1 tấn cá thương phẩm chết, anh Nguyễn Văn Vỹ (thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn) đau đớn chia sẻ với PV rằng toàn bộ diện tích mặt nước đều là đất của gia đình anh. Từ đêm ngày 17/8 đến khoảng rạng sáng ngày 18/8, trên địa bàn xuất hiện mưa lớn kéo dài khiến nước từ suối Cầu Lai tràn vào hồ cá khiến gần 1 tấn cá thương phẩm đang đến kỳ thu hoạch của gia đình chết nổi trắng mặt ao.
Các hồ nuôi cá tại thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt
“Từ ngày 17/8, khi tôi đi thăm ao thì phát hiện hiện tượng cá chết. Tuy nhiên, vào thời điểm này, cá vừa chết nên chìm xuống bùn. Đến thời điểm này 18/8, cá bắt đầu nổi trắng mặt hồ.
Hiện tượng cá chết tiếp tục xuất hiện vào ngày 19/8 và đến ngày 20/8, khối lượng cá chết mà gia đình tôi vớt được lên đến gần 1 tấn cá. Chứng kiến việc cá chết hàng loạt nổi trắng mặt hồ, gia đình tôi rất đau xót”, anh Vỹ chia sẻ.
Cũng theo thông tin anh Vỹ cung cấp, diện tích mặt nước của gia đình chủ yếu chăn nuôi cá chép, trắm, chim và đang trong giai đoạn thu hoạch hàng thương phẩm.
Lượng cá chết lên đến hàng tấn gây thiệt hại lớn cho người dân
“Trọng lượng mỗi con trung bình rơi vào khoảng 2 đến 3kg/con. Cá biệt có con nặng nhất lên đến cá 5 đến 6kg. Với mức giá cá thương phẩm dao động khoảng 50.000 đồng/kg, thiệt hại ước tính của gia đình tôi lên đến hơn 60 triệu đồng.
Đấy là chưa kể bao công lao chăm sóc ngày đêm cũng đều đổ xuống sông, xuống biển. Gần 1 tấn cá được vớt lên còn những con chết chìm dưới bùn vẫn chưa nổi”, anh Vỹ đau đớn chia sẻ.
Anh Vỹ cho biết thêm tất cả vốn liếng của gia đình đều đã được vợ chồng anh “dốc” vào hồ cá. Khi gần đến thời điểm thu hoạch thì bất ngờ xảy ra hiện tượng trên khiến cuộc sống của vợ chồng anh đang rất lao đao.
Diện tích hồ nuôi cá của gia đình anh Nguyễn Văn Vỹ lên đến 18.000m2
“Hồ cá nhà tôi nuôi được 2 năm. Năm đầu vợ chồng tôi mua hết 15 triệu tiền cá giống. Năm thứ 2 số tiền cá giống là 25 triệu. Mất thêm 2 năm ròng rã chăm sóc nhưng bây giờ mất trắng”, vợ anh Vỹ chia sẻ.
Cũng giống như hộ gia đình nhà anh Vỹ, hồ nuôi cá của gia đình chị Đàm Thị Vượng (nằm cách bãi rác Nam Sơn chừng 600m) cũng xảy ra tình trạng cá chết tương tự vào buổi chiều ngày 18/9.
Hiện tượng cá chết tại hồ nhà chị Vượng tiếp tục kéo dài trong 2 ngày 19/8. Tính đến ngày 20/8, khối lượng cá chết vớt được tại hồ nuôi nhà chị Vượng cũng lên đến 400kg, thiệt hại kinh tế nặng nề.
Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá thương phẩm chết trắng hàng loạt xảy ra tại các hồ cá thuộc địa phận xã Bắc Sơn, trao đổi với PV, anh Vỹ hoài nghi nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc nước thải từ bãi rác Nam Sơn gặp mưa tràn xuống khu vực ao hồ chăn nuôi thuỷ sản của các hộ gia đình dẫn đến việc cá chết hàng loạt.
“Khu vực hồ nuôi cá nhà tôi nằm giữa 3 quả đồi và cạnh dòng suối Cầu Lai. Con suối này nhận toàn bộ nước sau xử lý từ khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn sau đó chảy ra sông Cầu.
Nước của suối Cầu Lai được cho là chứa chất thải từ bãi rác Nam Sơn đổ xuống
Thường ngày, nước thải từ bãi rác Nam Sơn chảy ra các sông suối bốc mùi hôi thối khó chịu và không cá tôm nào sống được”, anh Vỹ cho biết.
Nắm được tình trạng này, trong quá trình cải tạo hồ nuôi, anh Vỹ đã cho đắp bờ cao hơn mặt suối ngăn tình trạng nước thải tràn vào ao. Tuy nhiên, khi có mưa lớn, lượng nước tăng dẫn đến tràn cả bờ đắp nên nước thải đổ cả vào ao.
Chỉ tay xuống khu vực nước thải từ bãi rác Nam Sơn chảy xuống, anh Vỹ cho biết: “Các anh cứ nhìn khu vực nước thải từ bãi rác đổ xuống sẽ thấy những con cá vô tình chạy xuống đây đều gặp hiện tượng lạ sau đó chết nổi trắng trên mặt nước”.
Nước thải từ bãi rác Nam Sơn theo dòng suối Cầu Lai tích tụ vào các ao hồ
Theo quan sát của PV, quả thực có tình trạng cá chết sau khi chạy xuống khu vực được anh Vỹ cho là nước thải từ bãi rác Nam Sơn đổ xuống. Hiện tượng những con cá đang khoẻ mạnh rồi bỗng dưng chết khi tiếp xúc với nguồn nước có màu gỉ sắt được anh Vỹ cho là nước thải từ bãi rác Nam Sơn diễn ra trong một thời gian rất ngắn.
Đưa ra dẫn chứng bảo lưu quan điểm hàng loạt cá ở các ao hồ trong xã chết do nước thải của bãi rác Nam Sơn đổ xuống, anh Vỹ cho biết đây không phải lần đầu tiên khu vực này xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt như vậy.
Sau đó theo mưa lớn tràn vào các diện tích ao hồ nuôi cá của người dân
“Lần đầu tiên và vào năm 2013, nước thải từ bãi rác đổ xuống cũng dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt gây thiệt hại rất lớn cho người dân. Sau khi được người dân phản đối, ý kiến đến các cấp chính quyền, nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn đã phải bồi thường cho người dân.
Lần thứ 2 xảy ra vào năm 2015, các hồ nuôi cá cũng xảy ra hiện tượng chết hàng loạt khi có mưa lớn. Tuy nhiên lần này, số lượng cá chết không nhiều nên người dân không có ý kiến gì tới cơ quan chức năng”, anh Vỹ cho biết.
Nước ở suối Cầu Lai có màu gỉ sắt và mùi rất hôi
Cũng theo thông tin từ anh Vỹ cung cấp, khi cá chết hàng loạt, gia đình anh đã thông báo đến cơ quan chức năng địa phương và cả phòng Tài nguyên Môi trường huyện Sóc Sơn đến để ghi nhận, xử lý.
“Tuy nhiên, các vị này chỉ đến xem xét qua một lượt sau đó lại đi luôn. Việc vớt cá chết, đem đi tiêu huỷ cũng do một tay gia đình tôi và bà con hàng xóm hỗ trợ”, anh Vỹ thông tin.
Một con cá đang khoẻ mạnh nhưng bất ngờ phơi ngửa bụng khi tiếp xúc với nước thải từ bãi rác Nam Sơn đổ xuống
Anh Vỹ cũng cho biết, do thiệt hại kinh tế quá lớn nên gia đình anh đã có đơn thư gửi Công an huyện Sóc Sơn cũng như cơ quan chức năng yêu cầu vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt và có phương án hỗ trợ về mặt kinh tế cho người dân.
“Thực sự sau khi vụ việc xảy ra, ngoài việc thiệt hại về kinh tế, gia đình tôi cũng đâm ra chán nản không muốn chăn nuôi tiếp. Bản thân gia đình muốn yên ổn làm ăn một cách lâu dài nhưng cứ thỉnh thoảng nước thải từ bãi rác tràn xuống theo mưa đổ vào ao hồ gây chết cá hàng loạt thì chẳng ai có tinh thần gì để làm cả”, anh Vỹ thông tin.
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với PV, ông Trần Đình Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn xác nhận trên địa bàn thôn Lai Sơn có xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt gây thiệt hại về kinh tế cho người dân.
“Sau khi nhận được tin báo, đại diện UBND xã Bắc Sơn đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận tình hình, thống kê số lượng cá chết của các hộ dân đồng thời cử cán bộ môi trường xuống hướng dẫn các hộ dân thực hiện chôn lấp, xử lý tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường”, ông Cường cho biết.
Anh Vỹ chỉ cho PV cách thức nước thải tràn vào hồ nuôi cá của gia đình
Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt có phải do nước thải từ bãi rác Nam Sơn đổ xuống, tràn vào ao hồ, ông Cường cho biết cũng có khả năng đó nhưng kết luận chính thức phải chờ phía cơ quan chức năng.
Để tìm hiểu sâu thêm về vụ việc, chiều ngày 22/8 PV đã đến UBND huyện Sóc Sơn đặt lịch làm việc với phòng Tài nguyên Môi trường của huyện. Sau khi tiếp nhận ý kiến phản ánh của PV, một cán bộ thuộc UBND huyện Sóc Sơn cho biết sẽ ghi nhận và sẽ có bố trí thời gian làm việc vào một hôm khác.
Chia sẻ thêm về bãi rác Nam Sơn, vị cán bộ này cho rằng không chỉ người dân sinh sống quanh khu vực bị ảnh hưởng mà UBND huyện ở rất xa bãi rác Nam Sơn nhưng vẫn còn ngửi thấy mùi hôi thối theo gió cuộn vào.
Gần 2 năm chăm sóc, số lượng cá thương phẩm của gia đình anh Vỹ đã mất trắng trong 1 đêm
“Mong báo chí phản ánh tình hình để TP. Hà Nội có phương án di dời bãi rác Nam Sơn ra một vị trí khác”, vị này cho biết.
Cũng trong buổi chiều ngày 22/8, PV đến khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn để đặt lịch làm việc về phản ánh của người dân cho rằng nước thải từ bãi rác Nam Sơn tràn vào ao hồ gây chết cá thì nhận được thông tin muốn vào khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn cần phải đến trụ sở của công ty nằm trên đường Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) xin xác nhận rồi quay trở lại sẽ có người dẫn vào bên trong để làm việc.