Thứ hai, 25/11/2024 | 14:16
RSS

Ngày 4/7, bão có thể đổ bộ vào Quảng Ninh đến Nam Định

Thứ ba, 02/07/2019, 16:47 (GMT+7)

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định ngày và đêm nay 2/7, áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc 10 km/h.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ sáng nay (2/7), tâm áp thấp nhiệt đới ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm vùng áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7 giờ ngày 3/7, vị trí  tâm bão ngay trên đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 4/7, vị trí tâm bão trên bờ biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.

Theo Thanh Niên, sáng nay 2/7, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), đã tổ chức họp bàn giải pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới dự báo sẽ mạnh lên thành bão trên Biển Đông.

Cập nhật thông tin mới nhất về áp thấp nhiệt đới, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), cho biết lúc 7 giờ sáng nay, tâm áp tháp nhiệt đới còn cách đông bắc quần đảo Hoàng Sa khoảng 180 km. Gió mạnh nhất gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 và tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, các trung tâm dự báo quốc tế đang có nhận định khá phân tán về diễn biến tiếp theo của áp thấp nhiệt đới. Trong đó, cơ quan dự báo của Nhật BảnTrung Quốc đều có chung nhận định áp thấp nhiệt đới sau khi vượt qua đảo Hải Nam đi vào vịnh Bắc Bộ sẽ mạnh lên thành bão.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng nhận định khoảng 60 - 70% khả năng mạnh lên thành bão ở vịnh Bắc Bộ. Dự báo, bão sẽ cập bờ và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh khoảng đêm ngày 3/7 cho đến rạng sáng ngày 4/7.

Cơ quan khí tượng cảnh báo với việc hình thành, phát triển ngay trên Biển Đông trong thời gian ngắn và kết hợp các yếu tố như nhiệt độ bề mặt nước biển cao, tương tác với các hệ thống thời tiết ở lục địa nên bão có diễn biến phức tạp. 

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, tâm bão nằm trong vùng từ Quảng Ninh đến Nam Định
Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Ảnh: NCHMF

Hình thái thời tiết cực đoan này có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta, ảnh hưởng trực tiếp gây gió mạnh ở vùng ven biển, mưa rất lớn, lũ quét, sạt lở đất trên khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong khoảng ngày 3-4/7.

Trong khi đó, từ đêm 2/7, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp đi qua khu vực Bắc Bộ kết hợp với rìa phía Tây của áp thấp nhiệt đới nên Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình có mưa lớn, kèm theo lốc sét và gió mạnh. 

Trong các ngày từ 2/7 đến 4/7, bão có khả năng tiến thẳng vào đất liền gây mưa lớn diện rộng cho khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Hòa Bình và Sơn La là hai tỉnh được cảnh báo có ảnh hưởng do bão mạnh nhất. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, thông tin dự bão chưa thống nhất nhưng dù là áp thấp nhiệt đới hay bão cũng rất nguy hiểm, khi đây đang là cao điểm mùa du lịch và đánh bắt hải sản. Đặc biệt, hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn trên diện rộng ở các tỉnh Bắc bộ và bắc Trung bộ. Do ảnh hưởng từ áp thấp nhiệt đới, bão luôn tiềm ẩn các yếu tố cực đoan, rủi ro cao.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN