Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:06
RSS

Ngân hàng bị rút tiền hàng loạt có thể được vay 'đặc biệt'

Thứ năm, 20/04/2023, 06:49 (GMT+7)

Dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng gửi tới Quốc hội bổ sung các quy định liên quan đến sự cố rút tiền hàng loạt tại ngân hàng.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã ký tờ trình gửi Quốc hội dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã ký tờ trình gửi Quốc hội dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Theo nội dung của dự án Luật được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trình Quốc hội, tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm khi thuộc một trong các trường hợp.

Thứ nhất, không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 129 của Luật này trong thời gian 3 tháng liên tục.

Hai là, không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 129 của Luật này trong thời gian 06 tháng liên tục.

Bà là, số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 20% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bốn là, xếp hạng dưới mức trung bình trở xuống theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

Năm là, có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Cuối cùng, ngân hàng bị rút tiền hàng loạt khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả và không tự khắc phục được theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Riêng đối với việc ngân hàng bị rút tiền hàng loạt, dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ (Điều 148, dự án Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi). Đây là nội dung mới được bổ sung trong dự án Luật lần này.

Theo đó, các biện pháp hỗ trợ được áp dụng gồm: TCTD sẽ không bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm thiếu dự trữ bắt buộc và không tuân thủ tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định trong giai đoạn bị rút tiền hàng loạt.

Đặc biệt, các TCTD này sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định thực hiện các biện pháp hỗ trợ thanh khoản riêng đối với tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt như: Mua giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng trên nghiệp vụ thị trường mở; Thực hiện các giao dịch ngoại tệ với tổ chức tín dụng; Tái cấp vốn với tổ chức tín dụng.

Cùng với đó, TCTD bị rút tiền hàng loạt có thể được vay đặc biệt Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và tổ chức tín dụng khác theo quy định luật này.

Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định việc ngừng tạm thời giao dịch tại tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt.

Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện chuyển giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt đang lưu ký tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam về Ngân hàng Nhà nước theo đề nghị của tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước được phép sử dụng khoản dự phòng rủi ro để xử lý đối với các khoản phải thu không thu hồi được phát sinh từ các biện pháp xử lý khi tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt.


Riêng đối với việc ngân hàng bị rút tiền hàng loạt, dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ (Điều 148).

Đáng chú ý, với khoản vay đặc biệt để tổ chức tín dụng giải quyết, xử lý sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt, dự thảo luật quy định lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước cho vay là 0%/năm.

Đối với tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt, sẽ được áp dụng các biện pháp hỗ trợ cụ thể như: Vay tái cấp vốn với lãi suất 0%, thời hạn tương ứng với thời hạn cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng khác, giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc; không phải thực hiện tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; các khoản cho vay đặc biệt được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn…

Đồng thời, được áp dụng các biện pháp hỗ trợ khác do Ngân hàng Nhà nước quyết định theo thẩm quyền.

Chỉ định cho vay đặc biệt

a) Trong trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn hệ thống, ổn định trật tự an toàn xã hội Ngân hàng Nhà nước được chỉ định Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, một hoặc một số tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này với lãi suất 0%.

b) Tổ chức tín dụng được chỉ định cho vay đặc biệt đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 151 Luật này.

c) Trong trường hợp chỉ định một số tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước quyết định phân bổ số tiền cho vay đặc biệt đối với mỗi tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt.

d) Tổ chức tín dụng được chỉ định phải thực hiện cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng khác theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước và được Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ sau:

(i) Được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ quy định tại khoản 6 Điều này;

(ii) Được phân bổ số tiền trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản cho vay đặc biệt theo năng lực tài chính của tổ chức tín dụng;

(iii) Được phép sử dụng khoản dự phòng rủi ro để xử lý đối với khoản cho vay đặc biệt không thu hồi được.

 

Huyền Anh
Theo Dân Việt