Thứ năm, 25/04/2024 | 23:31
RSS

Một thí sinh "sốc nặng" khi đạt khoảng 9 điểm/môn nhưng trượt tới 8 nguyện vọng

Thứ năm, 16/09/2021, 07:00 (GMT+7)

Xác định ngành nghề yêu thích và dồn hết sức để thi thật tốt nhưng Nguyễn Đức Anh không ngờ trượt nhiều nguyện vọng dù điểm thi đạt trung bình 9 điểm/môn.

Như đã thông báo trước đó, tối ngày 15/9, nhiều trường đại học trên cả nước chính thức công bố điểm chuẩn trúng tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THTP năm 2021. Các thí sinh vỡ òa hạnh phúc khi ghi tên mình vào ngôi trường yêu thích, tuy nhiên, có những thí sinh ngậm ngùi vì dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn trượt nhiều nguyện vọng. 

Một trong những thí sinh nuối tiếc nhất đó là Nguyễn Đức Anh, học sinh Trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh. 

Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay, Đức Anh đã đăng ký tất cả 11 nguyện vọng ở các ngành công nghệ thông tin, Kinh tế, Tài chính - Ngân hàng và Y khoa với điểm xét tuyển đại học ở 3 khối A00, A01, D07 đạt 26,63 - 27,3 điểm, trung bình khoảng 9 điểm mỗi môn. 


11 nguyện vọng đăng ký của Đức Anh.

Thế nhưng ngay trong đêm 15/9, Đức Anh sốc nặng khi biết mình trượt 8 nguyện vọng. Còn 2 nguyện vọng 3 ngành Công nghệ thông tin và nguyện vọng 4 ngành An toàn thông tin ở Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chưa công bố điểm. Tuy nhiên, số điểm Đức Anh đạt được khối A00 tương đương với điểm chuẩn năm 2020 của trường nên hi vọng rất... mong manh. 

Trao đổi với PV báo Dân Việt, Đức Anh cho biết: "Cảm xúc của em rất hỗn độn. Em muốn học ngành Công nghệ thông tin nên em đã xác định học chăm chỉ, nghiêm túc từ đầu lớp 12, ngay sau khi các anh chị thi đại học năm 2020 biết điểm. Em học hết kiến thức từ giữa lớp 12, say đó em dùng thời gian còn lại để ôn luyện đề. Hiện tại em rất sốc vì trượt nhiều nguyện vọng ở các ngành yêu thích".

Đức Anh chia sẻ thêm, sau khi "đặt cược" cho 10 nguyện vọng, em quyết định đăng ký thêm nguyện vọng thứ 11 vào ngành Tài chính - Ngân hàng, Đại học Thương mại với mục đích... chống trượt. Và Đức Anh cũng đã đỗ vào nguyện vọng cuối cùng này.

Mặc dù rất buồn vì không được học ngành nghề mình đam mê nhưng Đức Anh bày tỏ sẽ không thi lại đại học. "Em xác định rằng 1 năm thi lại tức là mình đi sau các bạn tới 3-4 năm. Vì vậy, em sẽ học ở trường nào em đỗ và có thể học thêm văn bằng 2". Từ câu chuyện của mình, Đức Anh chia sẻ lời khuyên dành cho thí sinh năm sau là hãy tham khảo điểm chuẩn từ các năm trước, đăng ký nhiều nguyện vọng hơn và thêm một số nguyện vọng làm "vé vớt".

Trao đổi với PV về điểm chuẩn các trường đã công bố, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Hệ thống giáo dục Hocmai cho biết: "Điểm chuẩn các trường khối B có sự biến động không đáng kể, các ngành năm 2020 lấy điểm chuẩn từ 27 điểm trở lên thì năm nay giảm nhẹ từ 0,2-0,5 điểm, trong khi đó các ngành năm 2020 lấy điểm chuẩn từ 24-26 có sự tăng nhẹ từ 0,2-0,5 điểm, các ngành thấp điểm hơn tăng từ 0,5-1 điểm. Điều này cũng tương ứng với phổ điểm khối B năm nay khá tương đồng với năm 2020. 

Điểm chuẩn các ngành Kỹ thuật và Kinh tế có sự biến động mạnh với những ngành năm 2020 lấy từ 21-25 điểm, đặc biệt các ngành tuyển sinh bằng các khối như A1, D1. Điều này đến từ việc điểm tiếng Anh năm 2021 rất cao đã đẩy điểm chuẩn tăng từ 1-4 điểm, thậm chí có ngành tăng đến 5-6 điểm. Điều đáng chú ý là các ngành tuyển sinh bằng nhiều khối thi đồng thời như A, A1, D1 sẽ lấy chung một đầu điểm, dẫn đến thí sinh khối A sẽ thiệt hơn khối khác do khối A phổ điểm thấp hơn".

Tào Nga
Theo Dân Việt