Thứ sáu, 29/03/2024 | 21:21
RSS

Mỗi năm Việt Nam có hơn 21.500 ca ung thư vú, có xu hướng trẻ hóa

Thứ tư, 19/10/2022, 14:26 (GMT+7)

Mỗi năm Việt Nam có hơn 21.500 ca mắc mới ung thư vú và đang có xu hướng trẻ hóa. Do đó, chị em cần phải tầm soát ung thư vú sớm để đực điều trị hiệu quả.

Tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú lên đến 70%

Bộ Y tế cho biết, theo thống kê của Ghi nhận ung thư năm 2020, mỗi năm cả nước có 21.555 ca mắc mới ung thư vú chiếm 25,8 % tổng số các bệnh ung thư ở nữ giới. Tại Việt Nam hiện nay, ung thư vú đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Do tâm lý, nhiều chị em còn e ngại, trì hoãn việc khám sàng lọc...

Theo số liệu của Bệnh viện K những năm gần đây, tỷ lệ khám phát hiện ung thư vú giai đoạn sớm (giai đoạn 0, 1, 2) đã đạt trên 70% và tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú cũng đã đạt 70%, ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới


Khám sàng lọc ung thư vú tại Bệnh viện K Trung ương. Ảnh BVCC

Tại Lễ phát động chiến dịch truyền thông và khám sàng lọc ung thư vú năm 2022 vừa diễn ra, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, ung thư vú là bệnh thường gặp nhất ở phụ nữ. Tại Việt Nam, đáng lo ngại hơn khi ung thư vú đang có xu hướng trẻ hóa, nhiều chị em hơn 30 cũng đã bị mắc ung thư vú.

Do còn có tâm lý xấu hổ, e ngại nên các chị em trẻ ngại đi khám tầm soát ung thư vú sớm. Điều này làm tăng nguy cơ bệnh nặng, khó điều trị khi ung thư vú đã ở giai đoạn tiến triển...

"Nếu được phát hiện sớm, tỉ lệ chữa khỏi có thể lên đến 90%, cùng với đó chi phí và hiệu quả điều trị cũng thuận lợi hơn rất nhiều", Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.

Phụ nữ nào cần được tầm soát sớm ung thư vú?

Theo TS, bác sĩ Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Ngoại vú Bệnh viện K Trung ương, có nhiều yếu tố thúc đẩy sự phát triển của ung thư vú, Do đó, chị em thuộc nhóm đối tượng dưới đây nên lưu ý khám tầm soát từ sớm:

• Phụ nữ một số đột biến về gen như BRCA 1 hoặc BRCA 2. Theo thống kê khoảng 10% số ca ung thư vú có yếu tố gen đột biến.


Dấu hiệu ung thư vú chị em cần biết. Nguồn: BVK

• Phụ nữ có sử dụng các liệu pháp nội tiết tố thay thế.

• Tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú, đặc biệt là quan hệ thế hệ 1 (mẹ, dì, chị em gái, con gái).

• Chị em từng xạ trị vào vùng vú hoặc vùng ngực.

• Chị em ít tham gia các hoạt động thể chất, chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, thừa cân, béo phì.

• Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên đi khám tầm soát hàng năm, với người có tiền sử gia đình mắc bệnh này nên đi khám sớm hơn.

Các chị em nên giữ thói quen khám vú tại nhà hàng tháng hoặc khám tầm soát ung thư định kỳ hàng năm và xây dựng chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh để có thể lắng nghe cơ thể mình phát hiện những bất thường từ sớm, thăm khám để được chẩn đoán kịp thời, chính xác nhất.

Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng Nguyễn Thị Xuyên cho biết, năm nay, chương trình khám sẽ sàng lọc miễn phí ung thư vú cho 3.400 phụ nữ tại 5 bệnh viện trên toàn quốc gồm: K, Bạch Mai, Ung bướu Hà Nội Chợ Rẫy và Ung bướu TP.HCM và 3 điểm cộng đồng, từ ngày 18/10 đến 20/11.

Chiến dịch truyền thông và khám sàng lọc ung thư vú năm 2022 do Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng phát động mang tên "Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu" năm 2022 với thông điệp "Bưởi hay chanh, khỏe tươi xanh mới đẹp".

 

Diệu Linh
Theo Dân Việt