Thứ sáu, 26/04/2024 | 21:55
RSS

Mẹ đơn thân khởi nghiệp sau khi bỏ chồng 6 ngày chia sẻ kinh nghiệm thành công với 500 ngàn

Thứ bảy, 01/07/2017, 07:19 (GMT+7)

"Mình nhận ra ở Hà Nội mọi người rất thích hải sản nhưng không biết lựa chọn như thế nào. Mình mang đồ ra đây để phục vụ mọi người và khi người ta ăn thấy ngon sẽ tiếp tục ủng hộ mọi người”, chị Huế cho biết.

Chị Nguyễn Thị Kim Huế quê ở Hưng Yên. Hiện tại chị đang có trong tay một cửa hàng hải sản, một quán nướng và một quán khoai tây lắc. Điều ít ai biết rằng, người phụ nữ với ngoại hình nhỏ nhắn, xinh xắn này lại rất mạnh mẽ khi tự mình kinh doanh ngay sau khi ly hôn với số vốn ít ỏi.

Bà mẹ đơn thân Nguyễn Thị Kim Huế khởi nghiệp chỉ với số tiền 500 nghìn đồng

Lựa chọn công việc kinh doanh thay vì trở thành một cô nàng công sở ,chị Huế cho biết: “trước đây, mình cũng từng làm công việc văn phòng nhưng tới khi lấy chồng và có em bé rồi thì mình không thể đi làm được nên chuyển sang kinh doanh online”. Sau đó, khi đã có một lượng khách nhất định thì chị chuyển sang bán tại cửa hàng.

Bà mẹ đơn thân

Bà mẹ đơn thân Nguyễn Thị Kim Huế khởi nghiệp với số vốn ít ỏi

Cuộc sống hôn nhân bị tan vỡ vào thời điểm cô con gái vừa tròn 1 tuổi. Lúc đó, chị quyết định ra đi chỉ với 500 ngàn trong túi. Với số tiền này chị chỉ có thể thuê được người chở đồ và dọn dẹp căn nhà mình thuê. Sau đó, chị chỉ còn mỗi 50 ngàn trong túi, chị mua một chiếc thẻ điện thoại để phục vụ việc liên lạc.

Sau đó, chị cũng không biết làm gì ngoài việc lên mạng xã hội và viết ra những dòng tâm trạng với hy vọng giải tỏa được phần nào nỗi đau mà mình đang phải chịu đựng. Thật may mắn, chị đã gặp một người đồng cảnh ngộ là chị Dương ở Tuyên Quang. “Chị Dương chính là người đã giúp mình chở cam Hàm Yên xuống để mình tạm ứng bán và xoay sở cuộc sống”, chị Huế cho biết. Chị bán trong 5 ngày thì thu được số tiền là 3 triệu. Với số tiền này chị dùng mua bát đĩa và một số vật dụng trong gia đình.

Thật may trước đây khi còn bán hàng online chị đã từng bán món nầm nướng nên đã biết ướp nầm rồi. Sau 5 ngày bán hoa quả xong, chị bắt đầu sắm sửa mọi thứ để mở quán nầm nướng nhưng lúc đó chị chưa từng có kinh nghiệm kinh doanh mà chỉ làm mọi thứ theo bản năng.

Sau 6 ngày quyết định rời bỏ chồng thì chị Huế đã mở được một quán nầm nướng nho nhỏ vừa ở vừa bán. Và khi đã có một số vốn rồi thì chị bắt đầu mở cửa hàng hải sản. Khi cửa hàng này đã đi vào quỹ đạo ổn định thì chị mở cửa hàng hải sản để bán tươi phục vụ cho cả khách online, khách tới cửa hàng mua và cả quán nướng nữa.

Từ 500 nghìn ban đầu, hiện tại chị có một cửa hàng hải sản và một quán nướng nho nhỏ cùng 1 quán khoai lang lắc. Tuy không thực sự dư giả quá nhiều nhưng chúng cũng đủ để đảm bảo cuộc sống cho 2 mẹ con chị.

Bà mẹ đơn thân Nguyễn Thị Kim Huế

Hiện tại, chị Nguyễn Thị Kim Huế đang sở hữu một cửa hàng hải sản, một quán nướng và một tiệm khoai lang lắc

Sau khi ly dị, cuộc sống của chị Huế gặp rất nhiều khó khăn nhưng gia đình cũng chỉ động viên tinh thần chị bởi nhà chị vốn chẳng có điều kiện và bố mẹ chị còn phải nuôi cô em gái ăn học. Hơn nữa, gia đình cũng ở xa nên chị phải một mình bươn chải kiếm sống và nuôi con.

Những ngày đầu khởi nghiệp chị phải mang cả con ra  bến xe để lấy hàng. Những ngày sau đó, chị cho bé đi học thì ban ngày chuẩn bị đồ cho quán nướng vào buổi tối và ra cửa hàng hải sản để điều phối công việc.

Khi được hỏi về bí quyết kinh doanh, chị nói bản thân không có bí quyết gì mà chỉ có một chữ tâm. Trong kinh doanh chắc chắn sẽ có những khó khăn và rủi ro nhưng khi mình giải quyết mọi thứ bằng sự chân thật thì chắc chắn khách hàng sẽ hiểu và bỏ qua.

Chị kể: “Có một lần mình bán cua cho khách nhưng nó chưa kịp lột bạn ấy có phản ánh lại. Tuy nhirn, hôm đó mình bận mở lại quán nướng nên không kiểm tra kĩ được. Cuối cùng, bạn ấy yêu cầu mình một là nhận lại hàng hai là bồi thường. Mình giải thích với bạn ấy, dùng sự chân thành để xin lỗi và đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng”, sau đó khách hàng này có quay lại mua tiếp.

Quán nướng mà chị mới mở, ban đầu chị sử dụng chảo để nướng, lại vào mùa hè nên ảnh hưởng không tốt. Vì thế, chị quyết định dừng quán lại 2 tháng mới bắt đầu mở lại

Bà mẹ đơn thân kinh doanh

Dù vất vả và mệt mỏi song con gái chính là động lực khiến chị quên hết những khó khăn ấy

Mặc dù phải trải qua rất nhiều gian nan, vất vả song cô con gái chính là động lực để chị cố gắng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn ấy. Lúc đó, cô con gái còn quá nhỏ lại chẳng có ai trông nên chị không thể quay lại làm công việc công sở được. Hơn nữa, bán hàng như thế này chị có "tiền tươi" luôn trong ngày, điều đó có nghĩa con gái chị có tiền bỉm sữa, tiền ăn hàng ngày.

Bà mẹ đơn thân đến với kinh doanh là do duyên số, đi theo lĩnh vực này là nhờ đam mê

Thật ra, chị đến với lĩnh vực kinh doanh là do duyên số. Lúc ấy, chị nghĩ được gì thì làm cái đó thôi, người đàn bà không nên phụ thuộc tài chính vào người đàn ông mà cần phải chủ động từ kinh tế tới mọi thứ trong cuộc sống. Trước đó, chị vốn là người phụ nữ tự lập không phụ thuộc vào bất cứ ai, ngay cả những người trong gia đình. Theo chị, người phụ nữ phải mạnh mẽ để có thể đương đầu với sóng gió, với những biến cố xảy ra trong cuộc đời.

Kim Huế

Bà mẹ đơn thân kinh doanh là nhờ duyên số và đam mê. Ảnh: NVCC

Người phụ nữ làm kinh doanh đã khó, người phụ nữ đơn thân kinh doanh lại càng khó hơn bởi quan niệm của người Á Đông thì phụ nữ chỉ nên ở nhà lo chuyện con cái, cơm nước. Nhưng với chị, khi bắt đầu khó khăn chỉ là vấn đề tài chính còn mọi thứ chị không bị bỡ ngỡ gì. Trước đó, chị từng kinh doanh online hoa quả nên cũng có kinh nghiệm trong ngành buôn bán, kinh doanh này rồi.

Những người phụ nữ làm kinh doanh giỏi luôn là niềm mong mỏi, là mơ ước khiến chị nể phục. Những người đó thường có cách nhìn nhận rất thấu đáo. Họ thông minh và đủ bình tĩnh, lý trí để giải quyết mọi vấn đề - đây cũng là điều mà chị hằng mong ước.

Trong thời gian đầu kinh doanh, có những vấn đề phát sinh nhưng chị vẫn cố bình tâm để giải quyết mọi vấn đề. Ví dụ nếu khách hàng có phàn nàn vì sản phẩm gặp vấn đề thì chị nhanh chóng đưa ra phương án giải quyết và nhất là phải đặt cái tâm lên hàng đầu. “Kinh doanh mà không có tâm thì không thể nhận được sự tin tưởng của khách hàng”, chị chia sẻ.

Doanh thu một tháng của quán nướng và hải sản của chị rơi vào khoảng 20 -30 triệu đồng. Đó là chưa kể doanh thu từ quán khoai lắc - một cừa hàng chị hùn vốn kinh doanh với cô bạn. Song “mình muốn đầu tư mọi thứ cho cửa hàng. Mình nghĩ kinh doanh mà không đầu tư thì không thể phát triển mạnh được”.

Chia sẻ về chuyện tại sao bản thân lại lựa chọn mặt hàng hải sản thay vì những sản phẩm khác, chị cho biết: “Mình nhận ra ở Hà Nội mọi người rất thích hải sản nhưng không biết lựa chọn như thế nào. Mình mang đồ ra đây để phục vụ mọi người và khi người ta ăn thấy ngon sẽ tiếp tục ủng hộ mọi người”.

Kinh doanh nầm nướng

Tuy chỉ có diện tích nhỏ hẹp song quán nướng nhà chị luôn đông khách

Với chị Huế thất bại không phải là mất đi những cửa hàng trong tay mà thất bại là bị khách hàng quay lưng. Một khi người làm chủ như chị mất lòng tin của người mua thì đó mới xem là “thất bại thảm hại”. Cửa hàng không phải là chị chưa từng mất mà chị đã trải qua tuy nhiên sự thất bại “kinh hoàng” nhất của người làm kinh doanh là khách không còn quan tâm tới mình.

Quyết định kinh doanh một phần là do cơ duyên phần khác chính là đam mê. “Chị vốn đam mê kinh doanh từ nhỏ mà nên khi đặt chân vào con đường này bên cạnh hồi hộp còn xen lẫn cả sự phấn khích nữa”, chị Huế cho biết.

Mặc dù cuộc sống có rất nhiều khó khăn nhưng người phụ nữ ấy vẫn nỗ lực từng ngày với hy vọng mở được nhà hàng nướng sang trọng. Chia sẻ về mục tiêu trong tương lai chị cho biết: "Trong thời gian tới, mình chỉ mong công việc làm ăn thuận lợi để mình mở được nhà hàng nướng. Đồng thời, mình cũng sẽ đủ tài chính để mua nhà và lo cho con đầy đủ nhất, để con không cảm thấy tự ti hay mặc cảm. Mình muốn mang tới cho con những gì tốt nhất".

 

Nguyễn Quỳnh
Theo Đời sống Plus/GĐVN