Theo Familyshare, một bài đăng của người đàn ông có tên Malik Edwards chia sẻ 5 lý do không giúp vợ làm việc nhà đã nhận được nhiều sự đồng tình từ mọi người, nhất là chị em phụ nữ.
Câu chuyện của anh Malik bắt đầu bằng việc bạn của anh ghé chơi nhà, sau một lúc trò chuyện, anh Malik đứng dậy với lý do phải đi rửa bát và hứa sẽ quay lại ngay.
Ảnh minh họa
Anh bạn của Malik liền tỏ ra ngạc nhiên và nói rằng “Tôi rất vui vì bạn giúp vợ. Tôi thì không làm giúp vợ vì tuần trước tôi lau nhà và cô ấy không nói lấy một tiếng cảm ơn”. Nghe những lời này, Malik đã ngồi lại và nói với bạn:
"Tôi không giúp vợ tôi nấu cơm vì tôi cũng muốn ăn và tôi cũng cần phải nấu.
Tôi không giúp vợ rửa bát sau khi ăn vì tôi cũng dùng những món đó.
Tôi không giúp vợ trông con vì chúng là con của tôi và tôi có trách nhiệm làm cha.
Tôi không giúp vợ rửa bát, phơi hay gấp quần áo, bởi đó cũng là quần áo của tôi và các con.
Tôi không phải đang giúp đỡ, tôi là một phần của ngôi nhà này...".
Như anh bạn của Malik đã từng làm việc nhà, nhưng không nhận được lời cảm ơn của vợ và sau đó không làm nữa.
Còn Malik chưa từng coi những việc rửa bát, trông con, phơi quần áo…là việc giúp vợ, anh coi đó là trách nhiệm trong gia đình, bởi mình cũng là một thành viên thuộc gia đình ấy. Không giúp vợ, mà tôi làm việc tôi cần làm.
Phụ nữ ngày nay cũng đi làm công sở 8 tiếng mỗi ngày, nhưng mọi việc trong gia đình, chăm lo con cái lại là nhiệm vụ của cô ấy sau một ngày làm việc.
Có những ông chồng biết quan tâm, chia sẻ với vợ thì có thể phụ giúp vợ trong một vài công việc như giặt đồ, phơi đồ, rửa bát…nhưng làm việc với tâm thế đang “giúp vợ”, dẫu sao thì cũng có phần đáng khen.
Ảnh minh họa
Còn đa số đàn ông và quan niệm xã hội cho rằng việc nhà là của phụ nữ. Có những ông chồng đi làm về là đi nhậu, đi đá bóng, cầu lông hay ngồi chơi game, đến bữa xuống ăn rồi lại tiếp tục thú vui của mình.
Hầu hết phụ nữ trong hoàn cảnh này, đều cố gắng hết sức mình, nhẫn nhịn, cam chịu nhưng thâm tâm cô ấy cũng cảm thấy bất công. Hơn hết, là cảm thấy bị áp bức, mất dần cảm xúc yêu thương.
Lâu dần, cô ấy sẽ không còn mặn mà, quan tâm đến chồng nhiều, bởi đã có quá nhiều trách nhiệm, lo âu khác.
Quan điểm này của Malik chính là điều bất ngờ đối với không chỉ với đàn ông mà ngay cả với phụ nữ. Bất ngờ bởi nó là sự thật mà lâu nay mọi người từ chối nhìn nhận nó. Tại sao cùng sống trong gia đình lại có nhiệm vụ giành riêng cho vợ?
Bởi gia đình là nơi cần sự sẻ chia, yêu thương. Con cái đều là con chung, vậy tại sao chỉ vợ mới có trách nhiệm trông con, chăm con và dạy con? Sự gắn kết, yêu thương mà trẻ nhỏ luôn cần ở cả cha và mẹ để phát triển toàn diện.
Làm cha, không phải chỉ cần kiếm tiền lo cho con, mà còn cần sự yêu thương, chăm sóc. “Tôi không giúp vợ” quan điểm này có lẽ nên được thấm nhuần cho cánh đàn ông ngay từ khi còn nhỏ.
Bởi quan niệm gia đình rất quan trọng trong việc giáo dục con cái sau này. Quan niệm yêu thương, san sẻ trách nhiệm sẽ giúp gia đình hạnh phúc hơn.