Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:28
RSS

Lương chồng, lương vợ, gia đình bạn quản lý thế nào?

Thứ hai, 16/04/2018, 06:44 (GMT+7)

Chuyện quản lý lương chồng, lương vợ và chi tiêu trong gia đình có lẽ là vấn đề muôn thủa, ai sau khi kết hôn cũng phải trải qua.

Mỗi cặp vợ chồng sau khi kết hôn đều phải tính toán, giao ước với nhau về chuyện lương bổng, chi tiêu. Và gia đình bạn quản lý lương chồng, lương vợ theo cách nào dưới đây?

Chồng đưa hết lương cho vợ, chỉ giữ lại khoản “hoa hồng”

Lương chồng, lương vợ, gia đình bạn quản lý thế nào
Nhiều người chồng đưa hết lương cho vợ, chỉ giữ lại khoản “hoa hồng”. Ảnh minh họa

Đàn ông đi ra đường cần phải có nhiều tiền trong tay để chi trả những khoản “giao tế” khác nhau. Vì thế, lương sẽ đưa cho vợ hết, nhưng các khoản thưởng hay hoa hồng thì phải giữ lại để phòng thân.

Trên thực tế có rất nhiều ông chồng khi lĩnh lương hoặc có những khoản thưởng thêm thì chỉ giữ lại một ít để tiêu còn đâu là đưa hết cho vợ quản lý. Dường như tất cả các bà với đều cảm thấy rất sung sướng khi có một ông chồng tự giác về việc nộp tiền lương như thế này.

Thậm chí, có người vợ còn giữ thẻ ATM, hàng tháng đút vào ví chồng 1-2 triệu để tiêu vặt, ngầm định mức như anh chỉ được tiêu ngần ấy trong tháng thôi. Những người vợ cảm thấy rất "oai" khi quản lý được đồng lương của chồng.

Thế nhưng, có lẽ cách này chỉ hợp với những người đàn ông ít quảng giao, còn những người kinh doanh có những mối quan hệ bạn bè, đối tác làm ăn quan trọng thì họ sẽ khó chấp nhận việc kiểm soát như vậy!

Chồng giữ 20-30% lương, còn lại giao cả cho vợ

Lương chồng, lương vợ, gia đình bạn quản lý thế nào2
Đàn ông thường giao hết trách nhiệm "tay hòm chìa khóa" cho vợ. Ảnh minh họa

Đàn ông chỉ cần giữ một phần lương của mình để tiêu vặt như rượu, thuốc, cà phê, xăng xe... còn lại thì nên giao cho vợ để vợ tự cân đối chi tiêu những việc trong nhà như chi phí sinh hoạt, con cái học hành, đối nội, đối ngoại…

Đây cũng là một trong những cách có vẻ hợp lý nhất mà rất nhiều gia đình hiện nay áp dụng. Bởi vì đàn ông từ bao đời này vẫn có ý thức muốn giao hết trách nhiệm "tay hòm chìa khóa" cho người vợ của mình.

Chồng chỉ đưa một phần nhỏ lương cho vợ chi tiêu

Lương chồng, lương vợ, gia đình bạn quản lý thế nào3

Có nhiều ông chồng chỉ đưa một phần lương ít ỏi cho vợ chi tiêu. Ảnh minh họa

Có rất nhiều ông chồng khi lấy lương về chỉ đưa cho vợ một phần nhỏ (ví dụ như 9 triệu chỉ đưa 3 triệu), còn lại thì cầm hết để chi tiêu riêng cho bản thân. Trong khi vợ phải lo toan bao nhiêu chuyện, từ chi phí ăn uống, sinh hoạt, học phí của con... thì chồng cứ nghĩ rằng số tiền đó của mình là to lắm, có thể lo liệu được hết mọi thứ. Thế nên, khi hết tiền, thì bỗng nhiên quay sang đay nghiến vợ “tiêu gì mà nhanh hết thế?”.

Để trị những ông chồng có tính cách như này, những người vợ thử cho chồng lo chuyện chi tiêu trong 1 tháng xem để chồng thấu hiểu cảm giác hàng tháng đau đầu vì tiền là như thế nào. Có lẽ sau lần đó chồng sẽ đưa lương nhiều hơn và bỏ luôn cái thói hay hỏi tới hỏi lui sao tiền nhanh hết.

Lương ai người đấy giữ, chia nhau chi phí sinh hoạt 

Lương chồng, lương vợ, gia đình bạn quản lý thế nào4Nhiều gia đình thì vợ chồng tự quản lý lương của mình. Ảnh minh họa

Nhiều người thường nghĩ rằng vợ chồng mà lương ai người nấy giữ, chia nhau chi phí sinh hoạt trong gia đình thì dường như không có sự gắn kết, tin tương lẫn nhau và không thể coi đó là một "gia đình". Thế nhưng, trên thực tế vẫn có những cặp vợ chồng quản lý tiền lương của mình theo cách này.

Vợ chồng có thể không "nộp" lương về một mối mà mỗi người tự quản lý lương của mình và thỏa thuận với nhau để trang trải các chi phí sinh hoạt trong gia đình một cách hợp lý nhất. Những cặp vợ chồng nào thực hiện theo cách này mà gia đình hòa thuận êm ấm, chứng tỏ họ rất tin tưởng, tôn trọng, yêu thương nhau.

Chồng giữ lương, vợ mua gì phải "hỏi xin"

Lương chồng, lương vợ, gia đình bạn quản lý thế nào5Những ông chồng quá tính toán khiến vợ mệt mỏi. Ảnh minh họa

Trên thực tế, không phải ông chồng nào cũng thoải mái với vợ con, mà có những người đàn ông “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. Và bi kịch càng lên đến đỉnh điểm khi người vợ ở nhà chăm con không có việc làm, người chồng ki bo nắm giữ tài chính.

Vợ ở nhà chăm con với bao mệt nhọc, những ông chồng ấy sẽ không tôn trọng mà còn không tin tưởng để giao “tay hòm chìa khóa”. Anh ta tính toán đưa cho bạn từng đồng một, thậm chí nhiều lúc bạn phải ngửa tay xin từng đồng để mua sắm những thứ cần thiết.

Vì vậy, phụ nữ dù bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng phải có một việc làm, cho dù lương cao hay thấp để có thể tự lo cho cuộc sống của mình, để có gặp phải ông chồng thế nào thì cũng không phải sống phụ thuộc.

Tóm lại, rất khó để có thể đưa ra nhận định rằng ai mới là người giữ lương trong gia đình và ở mức “nộp” bao nhiêu là hợp lý. Bởi "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", mỗi cặp vợ chồng đều phải tự tính toán, giao ước với nhau về chuyện lương bổng, chi tiêu, miễn sao cả hai thấy hợp lý, thoải mái chứ không phải là việc ép buộc nặng nề.

Dù có lương ai người nấy giữ, hay nộp về một mối đi chăng nữa thì mục đích chung vẫn là xây dựng tổ ấm nhỏ và vợ chồng lúc nào cũng tôn trọng, tin tưởng, yêu thương nhau.

Xem thêm clip: Tài xế "xử" người phụ nữ lấn làn đường

L.H
Theo Đời sống Plus/GĐVN