Thứ bảy, 18/01/2025 | 18:10
RSS

Liên tiếp xảy ra các vụ nổ laptop, cần làm gì để giảm thiểu nguy cơ?

Thứ ba, 19/03/2024, 19:27 (GMT+7)

Thời gian gần đây nhiều vụ nổ laptop đã xảy ra khiến trẻ bị thương, thậm chí là tử vong. Vậy cần làm gì để giảm thiểu nguy cơ, hạn chế những sự việc đau lòng này?

Liên tiếp xảy ra các vụ nổ laptop, cần làm gì để giảm thiểu nguy cơ

Bé M. bị bỏng 10% cơ thể do laptop phát nổ. Ảnh: Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh

Hiện nay, laptop đã trở thành công cụ học tập, giải trí không thể thiếu, tuy nhiên nhiều gia đình không lường trước được nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra. Có rất nhiều trẻ bị bỏng nặng, thậm chí tử vong do laptop phát nổ trong lúc đang sử dụng.

Mới nhất là vụ việc xảy ra vào ngày 16/3 tại Bắc Giang. Theo tin từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, trong lúc đang sử dụng, laptop bất ngờ phát nổ khiến bé L.N.M. (8 tuổi, ở huyện Lục Ngạn) bị bỏng nặng. Sau khi được sơ cứu tại Trung tâm Y tế huyện, bệnh nhi được chuyển tuyến tới Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang.

Tại Khoa Ngoại của bệnh viện, bệnh nhi được chẩn đoán bị bỏng độ 3. Diện tích bỏng 10% cơ thể ở các vùng mặt, ngực và 2 bàn tay; vết bỏng có dấu hiệu nhiễm trùng. Bệnh nhi được hồi sức, chỉ định làm các xét nghiệm cấp cứu cần thiết. Sau đó, các bác sĩ tiến hành truyền dịch, tiêm kháng sinh, dùng thuốc giảm đau và theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn của trẻ.

Sau 1 ngày điều trị, vùng bỏng ngực và tay trái sưng nề nhiều, tiết dịch thấm băng, môi bệnh nhi sưng nề nhiều hơn và ăn uống kém. Bệnh nhi được chuyển tuyến trung ương điều trị do tiên lượng tình trạng có thể diễn biến nặng hơn.

Liên tiếp xảy ra các vụ nổ laptop, cần làm gì để giảm thiểu nguy cơ

Bé P. đã tử vong do chấn thương quá nặng. Ảnh: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Hay trước đó một học sinh 13 tuổi ở Chí Linh (Hải Dương) tử vong do tai nạn vì laptop phát nổ trong lúc học bài. Cụ thể, theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, vào ngày 6/3, trong lúc bé T.G.P. (13 tuổi, ở Hải Dương) đang học bài bằng laptop tại nhà thì máy tính bất ngờ phát nổ. Bệnh nhi được sơ cứu tại bệnh viện ở tỉnh Hải Dương, sau đó chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng hôn mê, thở máy, toàn bộ vùng đầu, mặt, cổ và một nửa ngực trên đầy vết thương do các mảnh vỡ của laptop găm vào.

Mặc dù được các bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng do chấn thương quá nặng nên bé P. đã qua đời tại nhà riêng ở phường Đồng Lạc (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) vào chiều ngày 13/3.

Theo BSCKI. Nguyễn Văn Lâm, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, uớc tính mỗi năm, Khoa Ngoại của bệnh viện này tiếp nhận điều trị cho hàng trăm trẻ bị bỏng do các nguyên nhân như: bỏng do nổ sạc pin điện thoại, nổ sạc laptop; bỏng do điện; hoá chất; lửa; nước sôi hay bỏng do nổ bóng bay bơm khí Hydro. Đa số trường hợp trẻ bị bỏng là do sự bất cẩn của người lớn trong quá trình chăm sóc trẻ.

Trong đó có nhiều trường hợp trẻ bị bỏng tới 20% diện tích cơ thể, vết bỏng sâu làm biến dạng chi thể (co quắp tay, chân thậm chí làm hoại tử xương), không chỉ để lại di chứng nguy hiểm về thể chất có thể khiến trẻ tàn phế suốt đời mà còn đặc biệt ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ sau này.

Trước tình trạng đáng lo này, bác sĩ khuyến cáo người dân cần sử dụng các thiết bị điện tử đúng cách, không nên sử dụng máy tính và các thiết bị điện tử quá cũ và có nguy cơ hỏng hóc cao. Khi cần thay pin, nên sử dụng pin từ các nhà sản xuất uy tín và được bảo hành chính hãng. Ngoài ra, không nên sử dụng các thiết bị điện tử trong khi đang sạc pin để tránh những tai nạn đáng tiếc.

Liên tiếp xảy ra các vụ nổ laptop, cần làm gì để giảm thiểu nguy cơ

Nhiều vụ laptop phát nổ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Liên quan đến việc laptop phát nổ, chia sẻ với PV Báo Thanh niên, anh Trần Văn Hảo - phụ trách kỹ thuật ở hệ thống CIVIP Technology (đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm công nghệ tin học chính hãng tại tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, người dùng cần lưu tâm vấn đề phát nổ của các thiết bị điện tử, trong đó có laptop.

Theo anh Hảo, hiện nay nhiều người thường dùng laptop trong suốt thời gian dài để làm việc, chơi game, giải trí… hơn 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày nên thường vừa dùng vừa sạc pin. Điều này rất nguy hiểm, khiến laptop nóng bất thường và có thể dẫn đến cái kết là phát nổ.

Khi phát hiện laptop nóng hơn mọi ngày, pin có hiện tượng biến dạng, phồng lên bất thường, hoặc đang sử dụng thì máy tính bị tắt nguồn đột ngột, sạc pin không vào điện, pin xuống cấp nên nhanh hết… thì cần phải chú ý, nhanh chóng đem đến các cửa hàng laptop uy tín, trung tâm bảo hành chính hãng… để tìm hiểu nguyên nhân, thay thế pin mới, sửa chữa kịp thời. Bên cạnh đó, người dùng cũng cần tắt laoptop khi không có nhu cầu sử dụng.

Đồng quan điểm, kỹ sư Ung Thanh Vũ, làm việc ở Công ty TNHH thiết bị điện Khang Thịnh (Q.1, TP HCM) cho biết, người dùng cần thay đổi thói quen vừa sạc vừa sử dụng laptop. Có thể tháo rời pin và sạc laptop trực tiếp.

Theo kỹ sư Vũ, mỗi loại laptop sẽ có thông số kỹ thuật riêng, thích ứng với bộ sạc chính hãng đi kèm. Do đó, tuyệt đối không sử dụng những sản phẩm kém chất lượng và không tương đồng hiệu suất với laptop. Khi sử dụng laptop, cần đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát, có bề mặt phẳng. Không nên để laptop trên nệm, gối… vì vô tình che kín các khe hút (làm mát máy, thổi ra hơi nóng) sẽ khiến khả năng tản nhiệt bị giảm.

Ngoài ra, có thể lắp đế tản nhiệt giúp laptop đỡ nóng. Người dùng  cũng nên vệ sinh laptop định kỳ, có thể là 6 tháng/lần nếu làm việc trong môi trường nhiều bụi. Còn làm việc ở môi trường thông thoáng thì khoảng 1 năm/lần.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại