Tôi quê ở Nghệ An, gia đình tôi cũng bình thường, đủ ăn đủ tiêu chứ không quá dư dả. Vài năm ở Hà Nội tôi có yêu 2 chàng trai ở quê nhưng duyên chưa tới nên đành phải chia tay. Cuối cùng, tôi phải lòng một chàng trai gốc Hà Nội, anh làm việc ở gần công ty tôi.
Mang tiếng là trai Hà Nội nhưng gia đình anh khá phức tạp, lại thiếu thốn chứ không giàu có như mọi người vẫn tưởng tượng. Bố mẹ anh chia tay từ khi anh còn nhỏ, chồng tôi ở với bố còn mẹ anh ấy đi lấy chồng mới, giờ bà cũng có 2 người con với người đàn ông này.
Hình minh họa
Lần đầu về nhà chồng, tôi choáng ngợp trước căn nhà mái bằng 16m2 trong ngõ sâu hun hút ở phố Hàng Trống. 2 vợ chồng tôi định bụng sẽ sửa căn nhà này thành 2 tầng để về ở nhưng mẹ chồng tôi khuyên rằng, bố chồng tôi rất kiệt sỉ và bảo thủ nên ở chung sẽ không ổn.
Sau đám cưới, 2 vợ chồng tôi ở nhờ nhà một người bác chồng ở phố Hoàng Hoa Thám. Căn nhà cũng chỉ 12m2 khiến gia đình tôi đến thăm con gái ai cũng ngả ngửa. Nếu khi yêu nhau, anh rất xởi lởi, sẵn sàng bỏ ra vài triệu để mua áo, váy, son cho tôi thì đến khi cưới, anh trở thành một kẻ keo kiệt thực sự.
Chồng tôi đi làm văn phòng, đến buổi trưa, anh ấy mang cơm đi mà không đi ăn hàng vì sợ tốn. Buổi sáng anh ấy dậy sớm ăn mì tôm để tiết kiệm tiền. Chưa kể anh ấy còn bắt tôi mua gì phải xin phép rồi ghi vào sổ để tiện theo dõi chứ không được mua sắm tùy tiện. Sau cưới, tôi được bố mẹ, họ hàng cho được ít vàng và ít tiền mặt, chồng tôi cũng bắt tôi mở sổ tiết kiệm vì sợ để tiền ở nhà tôi sẽ tiêu mất.
Lương 2 vợ chồng tôi rất thấp, tôi được 7 triệu còn anh ấy được 6 triệu. Vậy mà chồng tôi cứ bắt mỗi tháng tôi đóng cả 7 triệu để chi tiêu cho gia đình còn anh thì chỉ đóng 4 triệu. Vì chuyện tiền nong, chi tiêu mà vợ chồng tôi cãi nhau không biết bao nhiêu lần.
Vừa rồi, bố tôi bị tắc mật do sỏi, phải vào bệnh viện Việt Đức cắt bỏ túi mật. Chồng tôi trước mặt bố mẹ vợ thì tỏ ra rất xởi lởi, anh thanh toán hết tiền viện phí cho bố tôi. Tuy nhiên, sau đó thì anh nhắn tin cho tôi rằng: “Em đưa hóa đơn cho mẹ để mẹ trả tiền nhé, mình mới cưới nên không có tiền mà”. Khi tôi nói rằng mình là con cũng cần biếu bố mẹ ít nhiều tiền viện phí thì chồng tôi chỉ muốn biếu bố mẹ 5 triệu. 2 vợ chồng cò kè “bớt một thêm hai” mãi thì chồng tôi mới chịu bỏ ra 7 triệu.
May mắn rằng bố tôi được ra viện trước Tết 10 ngày. Năm nay, vợ chồng tôi được thưởng Tết gần 20 triệu. Tôi định biếu bố mẹ 2 bên mỗi bên 7 triệu, số tiền còn lại để sắm sửa đào quất, bánh kẹo, nước ngọt.
Khi nghe thấy số tiền biếu, chồng tôi giãy nảy, anh bảo rằng vì 2 vợ chồng đã biếu tiền khi bố tôi đi bệnh viện rồi nên không biếu tiền Tết nữa, còn nhà nội thì phải biếu 10 triệu kẻo người ta cười cho.
Khi tôi bảo rằng tiền nào đi tiền nấy, tiền biếu bố đi viện khác còn Tết nhất mình vẫn phải đưa bố mẹ ít nhiều thì anh ấy vẫn không nghe. Chỉ vì tiền bạc mà vợ chồng tôi cãi nhau suốt mấy ngày hôm nay.
Nếu Tết này tôi không biếu được tiền cho bố mẹ thì tôi thương bố mẹ quá. Nghĩ đến bố tôi nằm ở nhà một mình, đau vết mổ mà tôi chảy cả nước mắt. Tôi thấy, sau đám cưới, cái Tết trở nên nặng nề và khổ sở quá. Tiền tôi làm ra nhưng tôi chẳng thể biếu bố mẹ mình, tôi cũng không được chăm sóc ông bà khi ông bà đau đớn, bệnh tật.
Có phải tất cả các nàng dâu đều phải chịu cảnh như tôi?