Chủ nhật, 19/01/2025 | 23:57
RSS

Lang thang Đà thành với những "kiếp cầm ca" đường phố

Thứ bảy, 16/12/2017, 06:25 (GMT+7)

Họ mang phận "kiếp cầm ca" nhưng chẳng có sân khấu hoành tráng. Sân khấu của họ là vỉa hè bên đường, nơi những quán nhậu vang tiếng cụng ly chúc tụng mỗi đêm.

kiếp cầm ca, hát rong

Đêm là lúc những người hát rong mưu sinh.

Đà Thành và loa kẹo kéo

Chiều, tối và đêm trên những cung đường dày các quán nhậu tại Đà Nẵng, luôn có những giai điệu phát ra từ chiếc loa di động khi thì não nuột, khi thì rộn ràng, lúc lại chói tai. Trong khi “ca sĩ” đứng hát, một người khác cầm chiếc rổ đựng kẹo cao su, bút bi, tăm... đi mời khắp các quán.

Thời gian gần đây, người dân Đà Thành không còn xa lạ với hình ảnh những người mưu sinh buôn bán nhiều thứ đồ như trái cây bịch, hạt dẻ, bán vé số,... hoặc đủ các hình thức "nghệ sĩ đường phố" mà trong đó nổi bật là đi hát với chiếc loa kéo.

Hơn 6 giờ chiều, một cô gái cầm chiếc mic không dây nhanh nhẹn len lỏi khắp các bàn bán kẹo mút. Một mình vừa bán vừa hát nên bài hát liên tục bị ngắt quãng mỗi khi cô phải... thối tiền, chỉ có chiếc loa để ngoài đường vẫn... xập xình.

Cách đó không xa, hai chàng thanh niên cũng vừa hát vừa bán kẹo. Hình như nghề hát rong đang là... mốt. Đi đâu cũng gặp nam thanh nữ tú làm nghề này. Người miễn cưỡng mua vỉ kẹo, cây viết. Người lắc đầu thờ ơ. Người hát vẫn hát...

Quán đông khách vốn đã ồn ào, lại thêm tiếng loa vang vọng cứ đập vào tai khiến ai cũng khó chịu. Đã thế, thực khách lại bị làm phiền khi cô gái cứ nằn nì mua kẹo mút lúc đang nhậu. Nhiều người thấy khó chịu vì bị “mất hứng” trong khi đang ăn uống hoặc trò chuyện cùng bạn bè nên phát cáu. Nhiều người lại "cố" mua cho xong để khỏi bị làm phiền, dẫu biết với mỗi vỉ kẹo, cây viết, họ bán với giá gấp đôi, thậm chí gấp 3-4 lần ở quầy tạp hóa.

Nỗi niềm những “kiếp cầm ca” không khán giả

Thời gian gần đây, những người hát rong loa kẹo kéo phát triển rất nhanh, họ cũng đi hát nhưng có một điểm chung là tất cả đều không có khán giả đứng xem.

Nếu có thời gian, tranh thủ trò chuyện với những người hát rong như thế sẽ thấy đối với họ, đi hát giống như một nghề. Họ đi hát để kiếm sống nhưng ngoài điều ấy, những người hát rong này còn đam mê và rất yêu công việc của mình.

kiếp cầm ca, hát rong

Không chỉ mưu sinh bằng nghề hát rong, đó còn là đam mê của nhiều người.

Chiều tối, khi các quán nhậu bắt đầu đông đúc thì cũng là lúc họ xuống phố mưu sinh. Đối với họ, sân khấu là quán nhậu và khán giả là những vị khách đang ngà ngà say. Cách kiếm ra đồng tiền của những người mang “kiếp cầm ca” nơi đất khách quê người cũng lắm nỗi niềm.

Lê Hữu Minh (27 tuổi, quê Thanh Hóa) trần trụi chia sẻ rằng, nghề này dù làm đêm hôm, kiếm ăn lúc mọi người nghỉ ngơi nhưng dù sao cũng sướng hơn so với nghề thợ hồ, thợ xây. Chỉ cần chịu khó thức đêm, chịu khó đi nhiều địa bàn, tìm tòi đến những quán ăn, quán bia hay chợ cóc, có đêm cũng kiếm được tiền triệu.

“Ban đầu mình cũng buồn vì cảm giác người dân chỉ nghĩ những người như tụi mình cần tiền, không cần khán giả nhưng làm lâu rồi thì lại nghĩ khác đi, cảm thấy được mang tiếng hát đến cho mọi người, không bị xua đuổi đã là điều hạnh phúc lắm rồi!”, Minh chia sẻ.

Minh kể rằng, không chỉ không có khán giả, nhiều lần anh và đồng nghiệp đi hát rong bán kẹo kéo từng bị giằng mic, ném trứng đuổi đi. Vì thế, có thể hát yên ổn một buổi tối, anh đã cảm thấy rất vui vì cho rằng điều ấy đồng nghĩa với việc người dân đã chấp nhận mình. Minh cho biết, vào buổi chiều nên đến những quán bia lớn hay quán ăn đông khách ở vỉa hè. Thực khách ở những quán này thường thoáng tính nên dễ bán được tiền hơn.

"Cũng đành xin làm người hát rong"

Có theo chân những người hát rong bán kẹo kéo như thế này mới thấy hết nỗi niềm của họ. Mỗi tối, những người hát rong như Minh phải hát tới 30 – 40 bài. Những hôm hát “sung” được 50 bài.

Ngoài việc gặp trắc trở về thời tiết nhiều khi họ bị đuổi như đuổi tà, bị xỉ nhục bằng những lời lẽ rất khó nghe. Bảo về nhà hàng thấy khách bị làm phiền lập tức "ca sỹ đường phố" ăn chửi. Thực khách cũng có người cảm thông nhưng nhiều người họ tỏ ra khinh miệt.

Minh bảo, nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân, nhiều lần chán nản muốn bỏ, nhưng rồi lại cố gượng. Bởi anh quan niệm rằng: “Công việc hát rong không chỉ để kiếm cái ăn, cái mặc qua ngày, mà còn là quá trình theo đuổi hai chữ đam mê”.

Minh bảo, với những người hát rong kẹo kéo như thế này đi hát đôi khi không hẳn chỉ vì tiền. Nếu có một đêm đông vui, dù không thu được xu nào, những người “ca sĩ” này vẫn sẵn lòng “cháy” hết mình, hát liền 2-3 bài để mua vui cho mọi người.

Kiếp cầm ca đường phố nhiều lúc cũng rất buồn tủi

“Mình hy vọng mọi người sẽ hiểu rằng bọn mình đi hát cũng là một nghề kiếm sống. Bọn mình không ngửa tay tận mặt ai xin tiền, tùy tâm ai ủng hộ thì ủng hộ, ai không ủng hộ vẫn có thể nán lại nghe cho vui.

Bọn mình cần tiền để sống nhưng cũng như mọi người đi làm, rất yêu nghề và mong muốn được cống hiến, dù đó chỉ là sân khấu vỉa hè. Mình luôn mong thoát khỏi mặc cảm hát chỉ để xin tiền, không còn bị đuổi đánh, dọa nạt hay cư xử thô lỗ nữa", Minh tâm sự.

Thi thoảng, trong số những người hát rong vẫn gặp hằng đêm vẫn có những giọng ca không kém gì các ca sỹ chuyên nghiệp. Họ hát không qua kỹ nghệ ánh sáng, không được lọc âm bằng những dàn xử lý âm thanh hiện đại, không sân khấu hoành tráng, nhưng những “ngôi sao” hát rong này mang thân phận cầm ca vỉa hè lại mang đến cho người nghe tình cảm của mình bằng giọng ca mộc mạc, chân tình và ấm áp.

Nghề hát rong đường phố này giờ không đơn thuần là một nghề để kiếm cơm, đây còn là nơi thỏa chí đam mê ca hát của nhiều người, nuôi lớn ước mơ của họ.

Minh Ngọc
Theo Đời sống Plus/GĐVN