Thứ sáu, 17/01/2025 | 09:51
RSS

Lan truyền thông tin sai sự thật sáp nhập tỉnh, thành phố: Sẽ bị xử phạt thế nào?

Thứ sáu, 29/11/2024, 07:43 (GMT+7)

Luật sư cảnh báo những thông tin về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đang được thực hiện theo chế độ mật, việc đưa lên mạng là sai quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước. Người đăng tải sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chưa có chủ trương sáp nhập tỉnh, thành phố ngay

Những ngày gần đây, thông tin về việc nhiều tỉnh, thành phố tiến hành sắp xếp, sáp nhập, đổi tên được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định các thông tin, hình ảnh đang lan truyền trên mạng xã hội này là không đúng.

Thông tin sáp nhập tỉnh, thành phố lan truyền trên mạng xã hội là không đúng.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng đang triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đúng như chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm.

Tuy nhiên, trước mắt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ được triển khai thực hiện ở cấp Trung ương. Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ thực hiện sau và hiện tại chưa có chủ trương sáp nhập tỉnh, thành ngay...

Ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết, những thông tin về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đang được thực hiện theo chế độ mật. Nếu đưa lên mạng là sai quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và ai vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, có thể nói, các đối tượng lợi dụng quyền tự do ngôn luận và tính lan rộng của mạng xã hội để đăng tải các thông tin thất thiệt, bịa đặt, xuyên tạc.

Động cơ của các đối tượng là công kích phá hoại và hạ bệ uy tín của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Thông tin sai sự thật có thể được lan truyền nhằm kích động dư luận, gây chia rẽ nội bộ, hoặc làm phức tạp hóa việc thực hiện chính sách. Thậm chí các nhóm đối tượng có thể lợi dụng vấn đề này để thực hiện các chiến dịch truyền thông gây bất lợi cho Việt Nam

"Vì vậy, người dân cần tỉnh táo trước những thông tin chưa được kiểm chứng, xác thực, bởi mỗi người dân đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ thông tin đúng đắn và ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai lệch", Luật sư Hùng nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối.

Có thể bị xử lý hình sự

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết thêm, hiện nay, trên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin, hình ảnh danh sách sáp nhập các tỉnh thành và các bộ ngành trên mạng xã hội với nội dung sai sự thật.

Trong khi những thông tin về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đang được thực hiện theo chế độ mật, việc đưa lên mạng là sai quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước và người đăng tải sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/1/2022), quy định phạt tiền đối với cá nhân “từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự".

Đối với tổ chức, mức phạt tiền sẽ nhân đôi. Ngoài ra, người thực hiện các hành vi nêu trên có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Khoản 5, Khoản 6 Điều 19 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật; hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước thì tùy vào hậu quả, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có thể bị truy tố về Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước theo quy định tại Điều 337 BLHS, mức phạt từ cao nhất là 10 – 15 năm tù, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Khi có hành vi cụ thể xảy ra, dựa trên tính chất, mức độ và hậu quả, tác hại do hành vi đó gây ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự 2015, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Nghị định số 14/2022/NĐ-CP để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp.

Hoàng Chiến
Theo Đại Đoàn Kết