Liệu nam giới không có tinh trùng vẫn có thể có con?
Không có tinh trùng là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn tới tình trạng không thể có con ở nhiều cặp vợ chồng.
Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản - Bệnh viện Bưu Điện cho biết, không có tinh trùng có thể do cơ thể không sản xuất tinh trùng hay do tinh trùng vẫn được sinh ra nhưng không đi ra được bên ngoài.
Trong các nguyên nhân gây vô sinh nam thì không có tinh trùng là nguyên nhân chủ yếu. Hiện tượng không có tinh trùng là trong tinh dịch không có “con giống”, từ đó gây vô sinh. Bệnh dễ chẩn đoán nhưng điều trị khó khăn
Lý do không có tinh trùng trong tinh dịch
Ở người, nơi sản xuất ra tinh trùng là hai tinh hoàn nằm trong bìu. Mục đích của khám và chẩn đoán đối với các trường hợp vô sinh là tìm xem nguyên nhân là hai tinh hoàn không sản xuất tinh trùng hay tinh trùng vẫn được sinh ra nhưng không ra được tinh dịch? Đây là câu hỏi quan trọng nhất để bác sĩ quyết định phương pháp điều trị và khả năng thành công.
Các thăm khám và xét nghiệm được các bác sĩ thực hiện chủ yếu nhằm xác định khả năng sinh tinh trùng của tinh hoàn. Nếu hai tinh hoàn vẫn sinh tinh nhưng tinh trùng không ra được tinh dịch, bác sĩ phải làm thủ thuật (tiểu phẫu) để lấy tinh trùng và thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (thụ tinh trong ống nghiệm).
Trong một số ít trường hợp, bác sĩ có thể thực hiện một số phẫu thuật phục hồi đường dẫn tinh hay phục hồi khả năng sinh tinh.
Tinh trùng được sinh ra bình thường nhưng không ra được bên ngoài
- Không có ống dẫn tinh 2 bên bẩm sinh: trong những trường hợp này hai tinh hoàn vẫn sản xuất tinh trùng nhưng không có đường dẫn ra ngoài.
- Tắc đường dẫn tinh: do nhiễm trùng, biến chứng sau mổ, sau chấn thương cơ quan quan sinh sản đường dẫn tinh bị tắc
- Xuất tinh ngược dòng: tinh trùng thay vì được phóng tinh ra ngoài lại đi ngược vào bàng quang (nơi chứa nước tiểu). Tình trạng này có thể xảy ra ở những trường hợp biến chứng sau khi mổ ở vùng lân cận, chấn thương cột sống, bệnh tiểu đường. Những trường trường hợp này sẽ tìm thấy tinh trùng trong nước tiểu sau khi xuất tinh.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến nam giới không có tinh trùng
Tinh trùng sản xuất quá ít
- Hai tinh hoàn suy giảm chức năng nặng và sản xuất rất ít tinh trùng. Tuy nhiên, khi sinh thiết tinh hoàn và có thể tìm thấy ít tinh trùng ở một số nơi trong tinh hoàn.
Tinh hoàn không sản xuất tinh trùng
- Suy tinh hoàn: Đây là tình trạng các ống sinh tinh trong tinh hoàn không sản xuất được tinh trùng. Tình trạng này có thể là do ở các ống sinh tinh không có loại tế bào để tạo tinh trùng hay quá trình sinh tinh bị gián đoạn nửa chừng, không sản xuất được tinh trùng trưởng thành.
Trong đa số trường hợp, cả hai tinh hoàn teo nhỏ và không hoạt động. Các nguyên nhân này có thể có liên quan đế di truyền hoặc teo tinh hoàn mắc phải.
- Nội tiết: Bình thường, nội tiết từ tuyến yên (ở não) kích thích tinh hoàn sản xuất ra tinh trùng. Nếu không có hoặc không đủ nội tiết tuyến yên, tinh hoàn sẽ không sản xuất được tinh trùng.
Đặc biệt nếu nam giới sử dụng nội tiết tố nam (androgen) nhiều quá, cũng có thể làm tuyến yên không tiết nội tiết và tinh hoàn không sản xuất tinh trùng. Các trường hợp này có thể điều trị bằng thuốc để giúp tinh hoàn sản xuất tinh trùng.
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh: một số rất ít trường hợp giãn tĩnh mạnh thừng tinh cũng có thể gây vô tinh. Những trường hợp này sau mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh, quá trình sinh tinh có thể hồi phục một phần.
Điều trị không có tinh trùng
Muốn sinh con trong các trường hợp vô sinh do không tinh trùng, các bác sĩ chuyên khoa cần phải lấy được tinh trùng của người chồng. Trong trường hợp xuất tinh ngược dòng, tinh trùng có thể được lấy từ nước tiểu trong bàng quang (sau khi đã được điều chỉnh pH cho thích hợp).
Trong các trường hợp không tinh trùng do tắc nghẽn, tinh trùng có thể được lấy từ mào tinh bằng vi phẫu thuật hay đâm kim xuyên qua da.
Trong một số ít trường hợp, khi không thể lấy được từ mào tinh, tinh trùng có thể được lấy từ tinh hoàn. Tinh trùng thu được có thể được sử dụng trong kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm hay tiêm tinh trùng vào bào tương trứng.
Trường hợp suy tinh hoàn, các xét nghiệm nội tiết như FSH tăng cao, lớn hơn 10iu/l, kèm theo tinh hoàn teo nhỏ V bé hơn 5ml, xuất tinh chỉ có dịch trong như nước lã mà không có màu đục như bình thường. Được xếp vào nhóm bênh nhân hiếm muộn khó điều trị nhất.
Tiên lượng tìm thấy tinh trùng khá thấp nhưng những bệnh nhân thuộc nhóm này vẫn có quyền hy vọng được làm cha từ chính tinh trùng của mình.
Nhờ phương pháp rất tiên tiến hiện nay là vi phẫu tinh hoàn, các bác sĩ sẽ phẫu thuật tinh hoàn dưới kính hiển vi phóng to hàng trăm lần để có thể tìm thấy những ống sinh tinh tốt nhất còn sót lại trong tinh hoàn của bệnh nhân.
Kế đến các chuyên viên trong Labo sinh học sẽ tìm ra những con tinh trùng may mắn còn sót lại từ những ống sinh tinh đó. Đây có thể coi là phương pháp cuối cùng cho những người chồng không có tinh trùng trong mẫu tinh dịch.
Biến điều không thể thành có thể
Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản - Bệnh viện Bưu Điện
Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện Bưu điện có những trường hợp các cặp vợ chồng hiếm muộn không có con nhưng người chồng thường cho rằng mình mạnh khoẻ, không bệnh tật gì nên không đi khám khiến cho quá trình chữa trị gặp khó khăn.
“Điển hình là trường hợp 1 cặp vợ chồng đã kết hôn hơn 4 năm mà vẫn chưa có con. Tuy nhiên chỉ có mỗi mình người vợ đến khám còn người chồng khăng khăng một mực mình khỏe mạnh, bình thường và nhất định không thực hiện khám theo chỉ định của bác sĩ”.
Kết quả kiểm tra của người vợ bình thường, để tìm ra căn nguyên vô sinh, các bác sĩ đã phải kiên trì thuyết phục chồng tới khám. Cuối cùng sau nhiều lần động viên, người chồng đã chịu tới làm tinh dịch đồ. Kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ cho thấy không có tinh trùng. Nhưng may mắn khi xét nghiệm máu thì kết quả cho thấy người chồng vẫn có hi vọng có tinh trùng.
“Chúng tôi đã thực hiện chọc tinh hoàn lấy tinh trùng của người chồng để thực hiện IVF cho người vợ và cặp vợ chồng này đã thành công ngay trong lần chuyển phôi đầu tiên. Kết quả 1 bé trai và 1 bé gái đã ra đời khỏe mạnh”, bác sĩ Nhã chia sẻ.
Gần đây nhất theo thông tin từ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Bưu Điện, bệnh nhân Trần Văn T., sinh năm 1991, không có tinh trùng sau quai bị biến chứng teo tinh hoàn cũng vừa được áp dụng vi phẫu tinh hoàn, đến nay vợ anh T. cũng đang mang bầu hơn 20 tuần.
Xem thêm Clip: Lương y chia sẻ công thức pha nước uống từ nghệ giúp khỏi hẳn bệnh đau dạ dày