Trong báo cáo gửi UBND TP, Sở NN&PTNT cho biết đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục thú y và chăn nuôi; Chi cục phó Huỳnh Tấn Phát bị khiển trách, theo báo Zing news.
Hội đồng kỷ luật cũng quyết định giáng chức quyền Trưởng trạm chăn nuôi thú y huyện Củ Chi và cách chức phó trưởng trạm. Hai cán bộ này bị điều về phòng tổ chức hành chính Chi cục chăn nuôi và thú y, chờ công tác khác.
Ngoài cán bộ quản lý phải chịu trách nhiệm, 16 cán bộ thú y trực tiếp kiểm soát giết mổ, có mặt trong đêm xảy ra việc heo bị tiêm chất cấm, bị cảnh cáo. Ba cán bộ thú y khác có trách nhiệm kiểm soát giết mổ nhưng nghỉ ca, bị khiển trách. Đồng thời, có hai nhân viên hợp đồng lao động liên quan, bị kéo dài thời hạn nâng lương.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng có văn bản gửi Bộ NN-PTNT báo cáo về việc thời gian qua, TP phát hiện nhiều trường hợp thương lái sử dụng thuốc an thần tiêm cho heo, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, báo Sài Gòn giải phóng đưa tin.
Tuy nhiên, hiện nay đối với sản phẩm thịt heo, quy chuẩn thịt tươi của Bộ Y tế không quy định ngưỡng tồn dư thuốc an thần Acepromazine trong thịt hoặc không được có trong thịt.
Ngoài ra, mức xử phạt đối với hành vi sử dụng thuốc an thần trong lĩnh vực thú y theo Nghị định 90/2017 chưa đủ sức răn đe.
Chi cục Chăn nuôi Thú y TPHCM mới được Cục Thú y chỉ định tạm thời xét nghiệm phát hiện chất Acepromazine trong nước tiểu bằng phương pháp Elisa và HPLC. Việc phát hiện Acepromazine trong thịt hiện chưa có phương pháp.
Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời chấn chỉnh tình trạng sử dụng thuốc an thần trong giết mổ gia súc, Sở NN-PTNT TPHCM kiến nghị Bộ NN-PTNT quy định hàm lượng tồn dư tối thiểu hoặc không được có trong thịt và phương pháp phát hiện chất an thần; đồng thời đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh Nghị định 90/2017, tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, bổ sung hình thức buộc xử lý tiêu hủy đối với hành vi sử dụng thuốc an thần tiêm cho heo