Điều đầu tiên khiến cho thế giới hiện đại bất ngờ là trình độ kỹ thuật trong xây dựng kim tự tháp của người Ai Cập. Không hiểu bằng cách nào mà các khối đá nguyên khối từ thiên nhiên nặng hàng chục tấn được người Ai Cập đục đẽo và ghép lại một cách hoàn hảo mà không cần đến bất cứ một loại vật liệu như xi măng gắn kết. Đặc biệt, các khối đá được ghép khít đến mức không thể luồn nổi vào giữa chúng một lưỡi dao mỏng. Chỉ dựa vào sức nặng, các khối đá đã tạo thành một kiến trúc vĩ đại vô cùng vững chắc và thách thức mọi sự ăn mòn của thời gian. Kim tự tháp Ai Cập còn tồn tại đến ngày nay đã có đến gần 5.000 năm tuổi.
Một điều kỳ lạ nữa là các kim tự tháp Ai Cập luôn có tỉ lệ kích thước vô cùng chuẩn xác dựa vào số Pi - một hằng số mà nhà bác học Ác si mét phát hiện ra sau này. Người ta lấy 2 lần chiều cao của Kim tự tháp Kheops chia cho diện tích của nó thì sẽ ra số Pi. Đây được gọi là tỉ lệ vàng để xây dựng các kiến trúc có hình dáng tương tự. Kinh hoàng hơn, trong điều kiện không có máy móc chuyên về đo đạc hiện đại hỗ trợ nhưng chiều cao giữa 2 cạnh đối diện của Kim tự tháp Kheops chỉ chênh dưới 2 cm - một sai số không tưởng ở thời đại đó.
Ngoài ra, một điều gây ngạc nhiên khác là không gian trong kim tự tháp Ai Cập đảm bảo rất tốt các điều kiện về độ ẩm, nhiệt độ. Điều này giúp cho việc bảo quản thi hài của các vua Pharaon được tốt nhất, bền bỉ nhất. Cho đến ngày nay, rất nhiều giả thiết của các nhà khoa học được đưa ra để lý giải những bí ẩn xung quanh kỳ quan thế giới cổ đại này nhưng vẫn chưa có được kết luận cuối cùng. Kim tự tháp Ai Cập vẫn mãi là niềm tự hào bất diệt của người Ai Cập và là thách thức lớn với trí tuệ của nhân loại.