Các sản phẩm trên trang web của Temu. Ảnh: Temu
Siết chặt quản lý sàn thương mại điện tử theo quy định pháp luật không những tạo sự cạnh tranh công bằng, bảo vệ người tiêu dùng, tránh thất thu nguồn thuế cho Nhà nước.
Kiểm soát chặt sàn thương mại điện tử
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 26/11 về việc đẩy mạnh phát triển thị trường hàng hóa trong nước nhằm kích cầu tiêu dùng.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường và các chính sách khuyến khích tiêu dùng để khơi thông thị trường trong nước, gắn kết giữa sản xuất với phân phối và tiêu dùng hàng hóa; rà soát, nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm trong nước và toàn cầu.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại; tích cực hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Triển khai các chương trình, sự kiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong hoạt động mua bán, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước trên các nền tảng số hóa, thương mại điện tử; tổ chức các hoạt động thúc đẩy liên kết vùng trong thương mại điện tử, các hoạt động xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới với các nước trong khu vực, thị trường nhập khẩu lớn.
Nghiên cứu và xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử hiện đang tạo sức ép lớn lên hàng hóa sản xuất trong nước, ảnh hưởng tới tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp nội địa.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thương mại trong nước, triển khai hiệu quả các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Liên quan đến nội dung công điện của Thủ tướng, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long thông tin, sàn thương mại điện tử Temu, Shein chưa hoàn thiện các thủ tục theo pháp luật Việt Nam là cạnh tranh không công bằng và gây khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa Việt.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, bộ đã làm việc với cơ quan pháp lý của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu, Shein, nếu không hoàn thiện đăng ký trong tháng 11/2024 sẽ bị chặn tại Việt Nam.
Yêu cầu các sàn thương mại điện tử này đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương theo quy định pháp luật Việt Nam. Trong thời gian triển khai đăng ký, các sàn phải thông báo với người tiêu dùng là đang thực hiện thủ tục đăng ký.
Siết chặt quản lý sàn thương mại điện tử nhằm kích cầu tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. Ảnh minh họa: Cowell Asia
Thúc đẩy tiêu thụ hàng sản xuất trong nước
Công điện của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, hài hòa, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chỉ đạo đẩy nhanh thủ tục giải ngân kinh phí triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng của các bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu giải pháp kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Bộ Công Thương cho biết, đã yêu cầu các sàn này khẩn trương nghiên cứu các văn bản pháp luật khác của Việt Nam có liên quan đến thương mại điện tử như hải quan, thuế... Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định, sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp thanh, kiểm tra, cảnh báo người tiêu dùng nguy cơ rủi ro với các sàn thương mại điện tử chưa được cấp phép; đẩy mạnh công tác truyền thông “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, để quản lý các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, đảm bảo việc thu thuế được thực hiện đầy đủ và kịp thời… Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế.
Tại công điện, Thủ tướng giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực tiêu dùng, phục vụ đời sống
Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, giảm lãi vay cho doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025…
Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh tập trung đổi mới quản trị, nghiên cứu phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động; thực hiện các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa…
Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT&DL, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… tiếp tục thực hiện chức năng nhiệm vụ đã được giao, phối hợp với các cơ quan bộ, ngành nhằm đảm bảo phục vụ hàng hóa tiêu dùng nội địa, điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường, đặc biệt là dịp lễ, Tết…
“Tổng cục Thuế đang giám sát, đôn đốc chặt chẽ việc kê khai doanh thu của Temu kỳ quý IV/2024 (hạn 30/1/2025) đảm bảo thu ngân sách Nhà nước đúng, thu đủ theo quy định pháp luật. Nếu phát hiện nhà cung cấp nước ngoài kê khai chưa đúng doanh thu, cơ quan thuế sẽ thực hiện đối chiếu dữ liệu để xác định doanh thu, đề nghị nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định nếu có dấu hiệu gian lận, trốn thuế”, ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 trước đó.