Thứ sáu, 26/04/2024 | 06:27
RSS

Không chỉ các bố mà các mẹ cũng cần lưu ý, đàn ông ngáy to có thể bị đột tử khi ngủ

Thứ năm, 11/05/2017, 11:13 (GMT+7)

Theo các chuyên gia y tế, hội chứng ngừng thở khi ngủ xảy ra nhiều ở nam giới, nhất là người có chứng ngáy ngủ nhưng bệnh chưa được quan tâm nhiều ở Việt Nam.

gaytotangnguycodottu

Kiểm tra các chỉ số thở khi ngủ xác định cơn ngừng thở khi ngủ

Những phút “chết lâm sàng”

Đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai, anh Võ Văn D. sinh năm 1987 tại Thanh Oai, Hà Nội ngỡ ngàng vì bác sĩ đo các chỉ số thở khi ngủ của anh chỉ trong 1 tiếng có tới 100 cơn ngừng thở, lượng oxy trong máu giảm tới hơn 50%. Theo các bác sĩ đây là bệnh lý nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra đột tử.

Anh D. kể từ khi thanh niên đến giờ lúc nào anh cũng được cả nhà đặt cho biệt danh "thợ kéo gỗ" bởi khi ngủ anh ngáy rất to. Anh cưới vợ được 5 năm nay và vợ anh cũng thấy mệt mỏi vì khi ngủ chồng ngáy quá to khiến chị khó ngủ. Chị Hà vợ anh D kể, có đêm chồng nằm “kéo gỗ” khò khò khiến chị không ngủ nổi làm cho căn bệnh khó ngủ của chị càng trầm trọng hơn.

Khi chị Hà đi khám bệnh khó ngủ, chị kể với bác sĩ về việc chồng ngáy. Chị được bác sĩ tư vấn nên theo dõi cơn ngáy của chồng. Lúc này, chị mới để ý kỹ trong khi ngủ có khi ngáy rất to nhưng thi thoảng có lúc anh ngừng không ngáy, cảm giác không thở. Theo dõi lâu chị Hà sốt ruột khuyên chồng đi kiểm tra.

Lúc này, anh D. được bác sĩ chẩn đoán bị hội chứng ngừng thở khi ngủ nặng do bệnh lý hô hấp trên phải phẫu thuật. Bác sĩ cho biết nếu anh D không điều trị dứt điểm thì cơn ngáy không chỉ gây khó chịu cho vợ mình mà còn nguy hiểm cho chính bản thân anh.

Không riêng anh D. mà có rất nhiều bệnh nhân ngáy to và họ nghĩ ngáy là khỏe, chỉ khi đến viện kiểm tra thì có rất nhiều bệnh cùng mắc phải. Trường hợp ông Trần Văn H. 60 tuổi trú tại Long Biên, Hà Nội là điển hình. Ông H. ngáy ngủ rất to nên vợ ông ngủ riêng. Vợ ông kể dù nằm khác phòng bà vẫn nghe tiếng chồng ngáy và thi thoảng có cơn ngừng ngáy và sặc lên như kiểu “sặc nước”.

Khi bác sĩ nói chồng bà bị hội chứng ngừng thở khi ngủ, bà mới tá hỏa hóa ra hơn 20 năm nay chồng bà thường xuyên rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” mà bà không biết. Đến khi bị các bệnh tim mạch, tiểu đường được bác sĩ giới thiệu kiểm tra giấc ngủ, ông H mới biết mình bị hội chứng này rất lâu rồi.

Nguy cơ đột tử

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Anh Đức – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, hội chứng ngừng thở khi ngủ rất nguy hiểm. Thạc sĩ Đức cho biết, đây là bệnh lý hô hấp chưa được quan tâm nhiều tại Việt Nam nhưng trên thế giới họ quan tâm đến bệnh lý này từ rất lâu, vì tính nguy hiểm của nó.

Khi có hiện tượng ngừng thở kéo dài trên 10 giây lúc ngủ được xem là ngừng thở khi ngủ. Trong nghiên cứu ngừng thở khi ngủ được phân loại có hai loại chính ngừng thở khi ngủ tắc nghẽn và ngừng thở khi ngủ trung ương.

Với ngừng thở tắc nghẽn, bác sĩ Đức cho biết bệnh hay gặp, xảy ra do tắc nghẽn đường hô hấp trên như dị dạng hô hấp, phì đại vách ngăn, bệnh lý mũi xoang, hầu họng, phì đại amidan. Nguyên nhân nữa là giảm trường lực cơ ở vùng hầu họng, khi bệnh nhân rơi vào giấc ngủ trường lực cơ giảm, đường thở trên xẹp lại không có hiện tượng hô hấp dù cơ hô hấp vùng ngực vẫn hoạt động nhưng không khí không đi qua được.

Còn hội chứng ngừng thở trung ương, Thạc sĩ Đức cho biết đó là bất thường bệnh lý tại hệ thần kinh trung ương như nhồi máu não, bệnh lý toàn thân suy tim, suy thận thì có thể gây nên ngừng thở trung ương.

Đối với hội chứng ngừng thở, bác sĩ Đức cho biết các yếu tố nguy cơ của hội chứng này thường gặp ở nam nhiều hơn, ở lứa tuổi trung niên, bệnh nhân có chỉ số BMI trên 25 và đường kính vòng cổ lớn.

Với hội chứng ngừng thở ngủ trung ương gặp thêm ở các bệnh nhân suy tim, suy thận, tai biến mạch máu não, di chứng chấn thương sọ não.

Thạc sĩ Đức cho biết triệu chứng để nhận biết hội chứng ngừng thở khi ngủ vào ban đêm bệnh nhân có dấu hiệu ngủ ngáy, ngáy to. Tuy nhiên, theo bác sĩ Đức không phải ai ngủ ngáy cũng ngừng thở khi ngủ nhưng nên sàng lọc. Tại trung tâm hô hấp thì có tới 50 % bệnh nhân bị ngừng thở khi ngủ có triệu chứng ngáy to.

Khi người ngáy to ngủ, vợ hoặc con có thể để ý có những đoạn ngủ không ngáy và kết thúc cơn ngừng thở bằng tiếng ngáy sặc sặc.Triệu chứng ban ngày hay gặp như đau đầu, kém tập trung, buồn ngủ do ban đêm thiếu ngủ.

Hậu quả của hội chứng ngừng thở, Thạc sĩ Đức cho biết khi ngừng thở nồng độ oxy trong máu giảm, cơ quan, bộ phần thiếu ô xy lâu dài gây bệnh lý toàn thân tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim thậm chí đột tử. Ngoài ra, lâu dài bệnh nhân sẽ mắc các bệnh chuyển hóa gây ra tình trạng đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh nhân có thể mắc cùng lúc các bệnh trên và lâu dài sẽ nguy hiểm.

Hiện tại ở Trung tâm Hô hấp, bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành, trang bị máy móc để chẩn đoán ngừng thở khi ngủ. Bệnh nhân có cơ địa béo phì, các bệnh đồng mắc tăng huyết áp, đái tháo đường sẽ được khám sàng lọc, đo giấc ngủ, thăm dò thông số của bệnh nhân khi ngủ, đo lượng thở qua mũi, đo nồng độ oxy qua máu, điện tim đồ của nhịp tim khi ngủ tăng hay giảm, điện não đo quá trình giấc ngủ bệnh nhân diễn ra như thế nào và các kênh khác đo cử động hô hấp ngực, bụng để đánh giá quá trình ngừng thở có cử động hô hấp không.

Thạc sĩ Đức cho biết để điều trị ngừng thở khi ngủ phải tìm ra nguyên nhân. Nếu do bệnh lý nào thì điều trị bệnh lý đó. Khi không xác định được nguyên nhân thì bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thở máy tạo áp lực đường thở và khi thở máy sẽ giúp bệnh nhân lưu thông đường thở.

Ph. Thuý
Theo Infonet