PGS.TS Nguyễn Châu Lân. Ảnh: Báo VTC News
Thông tin trên Báo Sài Gòn Giải phóng Online cho biết, ngày 2/10, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia) đã tổ chức hội thảo khoa học tại Hà Nội với chủ đề “Thảm họa Làng Nủ - nguyên nhân và giải pháp phòng tránh”.
Trong buổi hội thảo, các nhà khoa học đã công bố kết quả nghiên cứu và điều tra thực địa về trận lũ quét - lũ ống tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai xảy ra vào ngày 10/9.
Cụ thể, theo đánh giá từ PGS.TS Nguyễn Châu Lân từ Trường Đại học GTVT và nhóm cộng sự, có khoảng 1,6 triệu m³ khối lượng đất đá và nước khổng lồ đã ập xuống làng Nủ. Khối sạt trượt này xuất phát từ đỉnh núi Con Voi cách ngôi làng khoảng 3,6km, trong quá trình di chuyển khối này đã bị tắc nghẽn tại một khu vực hẹp chỉ rộng khoảng 100m (cách điểm phát sinh sạt lở khoảng 2km), vị trí này vô tình tạo thành một đập chắn tự nhiên làm tăng nguy cơ vỡ lũ.
Khi xảy ra lũ, lượng mưa tại khu vực làng Nủ rất lớn với tổng lượng mưa tích lũy lên tới 633mm, trong đó lượng mưa theo giờ đạt 57mm khiến khối lũ bùn đá di chuyển cực kỳ nhanh.
Qua việc sử dụng mô hình 3D kết hợp dữ liệu thực địa và ảnh vệ tinh để tính toán, các nhà khoa học đã xác định, chỉ khoảng 5 phút (300 giây) dòng lũ đã từ đỉnh núi tràn xuống ngôi làng. Vận tốc dòng lũ ở đoạn dốc núi Con Voi đạt tới 20m/giây, tuy nhiên khi tới khu vực bằng phẳng dưới Làng Nủ, vận tốc giảm xuống còn khoảng 2-3m/giây. Dù vận tốc đã giảm, nhưng vẫn quá nhanh để người dân có thể kịp thoát thân.
Trận lũ quét đã xóa sổ toàn bộ thôn Làng Nủ. Ảnh: Báo Thanh niên
PGS.TS Nguyễn Châu Lân cho biết, trận lũ ống này không chỉ là hiện tượng đơn lẻ mà đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới Ví dụ như thảm họa lũ ống xảy ra tại TP Seoul, Hàn Quốc vào năm 2011. Để phòng tránh thảm họa tương tự, các nhà khoa học khuyến cáo người dân nên tránh xây dựng nhà ở gần bờ suối và các khu vực có nguy cơ sạt lở.
Còn theo thông tin trên Báo điện tử VOV, nhiều chuyên gia nhận định, nguyên nhân gây nên thảm họa ở Làng Nủ là lũ bùn đá thường xảy ra trong những đợt mưa lớn, kéo dài nhiều ngày tại các lưu vực suối ở vùng núi, nơi có địa hình dốc, vỏ phong hóa/tầng đất dày.
PGS. TSKH. Vũ Cao Minh, các hộ dân sống ở khu vực dưới chân các đồi, núi, đặc biệt là các hộ cắt xẻ phần chân sườn các đồi, núi khi phát hiện các vết nứt trên đồi cỡ một vài mét là phải xem xét di dời và lưu ý. Khi thấy có vết nứt, biện pháp đơn giản nhất là che phủ bạt, hoặc dùng các tấm tôn che, các tấm không thấm nước ghim các ghim thép để làm sao không thấm vào trong, bởi nước thấm vào trong sẽ làm cho áp lực lớn, dễ sạt hơn. Nếu ngăn nước vào thì sẽ giảm được tốc độ và những nguy cơ phát sinh. Chúng ta cũng phải thiết kế các ống thoát nước ngang để rút nước từ trong mái dốc ra.
Trước đó, vào sáng 10/9 một trận lũ quét đã xóa sổ toàn bộ thôn Làng Nủ, nơi có 37 hộ dân với 158 nhân khẩu. Đến ngày 20/9, số người thiệt mạng ghi nhận là 54 người, 13 người mất tích và 14 người bị thương. Số người tránh được tai họa là 87 người.
Ngày 21/9, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức khởi công xây dựng khu tái định cư rộng 10ha, cách vị trí ngôi làng bị sạt lở khoảng 3km. Khu tái định cư nằm trên đồi sim, gồm 40 nóc nhà được xây dựng hai tầng kiểu truyền thống của người Tày cùng bếp, nhà vệ sinh, tổng diện tích mỗi hộ 1.000 m2.