Báo BVPL dẫn lời ông Lâm, sau khi rà soát, đánh giá lại hồ sơ thiết kế cầu bộ hành thì Sở phát hiện nhiều sai sót tại dự án cầu bộ hành bị xe container kéo sập.
Trước đây dự án nằm trong dự án mở rộng nút giao Đại học Quốc gia do khu 2 làm chủ đầu tư. Đến cuối năm 2015, dự án này được chuyển giao, bổ sung vào dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội nhằm giảm ngân sách Thành phố. Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) làm chủ đầu tư và tiếp nhận dự án này, trong đó có hạng mục xây cầu bộ hành.
Thời điểm trước khi CII tiếp nhận thì cầu bộ hành đã được phê duyệt. Khi chủ đầu tư tiếp nhận, chuẩn bị triển khai thì vướng trụ metro số 1 nên phải dịch chuyển hơn 4m. Hồ sơ chuyển dịch này đã được tổ chức thẩm duyệt phê duyệt.
Sau khi chuẩn bị triển khai, cắm cọc định vị thi công công trường thì bị phản đối của một số hộ dân. Sau đó, Công ty CII tiếp tục đề nghị dịch chuyển thêm hơn 9m nữa để tránh phản ứng của người dân.
“Khi dịch chuyển thì có hỏi Sở GTVT và chúng tôi thống nhất đồng ý phương án dịch chuyển là phù hợp. Sở cũng có hướng dẫn cho chủ đầu tư thực hiện các bước tiếp theo tuy nhiên các thủ tục để thẩm định, phê duyệt lại cầu vượt bộ hành tại vị trí mới thì nhà đầu tư chưa hoàn tất trước khi thi công”- ông Lâm thông tin.
Ông Lâm cho Vietnamnet biết, khi chủ đầu tư thi công cũng không thông báo cho Sở GTVT về việc đó. Nếu chủ đầu tư, tư vấn giám sát làm tốt vai trò thì không xảy ra sự cố đáng tiếc trên.
“Trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư và tư vấn giám sát. Nguyên tắc khi họ thực hiện dự án thì phải có hồ sơ thiết kế, bản vẽ thiết kế thi công được duyệt. Chưa kể, theo nguyên tắc thì trước khi thi công họ phải khảo sát, đối chiếu với bản thiết kế và thực tế hiện trường. Thiếu khâu này nên mới dẫn đến xảy ra sự cố trên”- ông Lâm nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành giao thông TP.HCM cho biết, đường song hành ở phía dưới đang lên dốc, có độ dốc 1,7%. Khi chuyển dịch lên trên dốc để làm cầu nhưng phía các đơn vị liên quan thiếu tính toán, kiểm tra cao độ giữa mặt đường và đáy dầm nên xảy ra việc tĩnh không không đạt 4,75m. Trong đó chỉ số tĩnh không không đạt thực tế thiếu từ 0,16-0,33m.
Về trách nhiệm, ông Lâm cho biết đã chỉ đạo phía chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thiết kế, thi công thay thế chỉ huy công trường, giám sát tác giả, thay thế tư vấn giám sát hiện trường. Sắp tới có kết quả từ cơ quan điều tra của công an quận Thủ Đức, sẽ xử lý nghiêm hành vi thi công, thiết kế, giám sát để xảy ra sự cố.
Ngoài ra, tất cả chi phí điều chỉnh thiết kế, nhà đầu tư phải chịu toàn bộ và không được đưa vào chi phí dự án.
Ông Lâm cũng cho biết, sắp tới sẽ giao thanh tra, trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị thi công trên đường bộ đang khai thác.