Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:31
RSS

Khi Grabbike "phủ sóng" khắp các nẻo đường, xuất hiện cả "hàng nhái"

Thứ tư, 05/07/2017, 12:06 (GMT+7)

Grabbike hiện là dịch vụ đang "được lòng" khách hàng do tiện lợi. Tuy nhiên, khi dịch vụ này bắt đầu "phủ sóng" như hiện tại lại nảy sinh ra nhiều vấn đề với xe ôm truyền thống và cả trong chính nội bộ Grabbike.

Grabbike đã phát triển tới độ "phủ sóng" khắp nơi, đi đâu bạn cũng có thể nhìn thấy màu áo xanh đặc trưng của dịch vụ này. Tuy nhiên, phải thật sự xâm nhập vào thế giới của những Grabbike mới hiểu họ cạnh tranh khốc liệt thế nào. Ngoài cạnh tranh với xe ôm truyền thống, xe ôm "công nghệ" còn phải cạnh tranh với chính những người trong hội, nhóm.

Grabbike và những màn dằn mặt của giới xe ôm truyền thống

Khi dịch vụ xe ôm "công nghệ" phát triển mạnh mẽ, người dùng cũng ít dùng xe ôm truyền thống hơn. Bởi vậy, tình trạng một Grabbike dừng lại bắt khách ở chỗ của xe ôm truyền thống sẽ bị họ gây gổ, đuổi đánh. Theo thông tin đăng tải trên Zing News thì khi phóng viên vào vai một Grabbike dừng xe ở quán trà đá, thì bỗng thấy chân mát lạnh, ướt sũng. Trong quán trà đá, mấy người đàn ông mặt sạm đen, tay ôm mũ bảo hiểm nhìn anh này chằm chằm như muốn ăn tươi nuốt sống. Đó đều là dân xe ôm truyền thống. Họ muốn gây gổ để dằn mặt bất cứ ai đến “địa bàn” của mình.

Grabbike

Grabbike thường gặp phải tình trạng bị xe ôm truyền thống gây gổ. Ảnh: VTC.vn

Sau đó, anh này phải chuyển vị trí sang một nơi khác để tránh ánh nhìn hung hãn ở phía sau. Một thanh niên chạy Grab tên M (24 tuổi, quê Phú Thọ) cho biết lúc mới vào nghề anh cũng suýt bị cánh xe ôm truyền thống cho "ăn" mũ bảo hiểm vào đầu nếu không nhanh chân di chuyển.

M. cũng chi biết vụ "choảng" nhau lớn giữa xe ôm truyền thống và GrabBike ở Thanh Xuân vừa rồi là do giành khách. Sau đó, GrabBike bị đánh đã nhờ sự trợ giúp từ nhóm. Khoảng 30 phút sau, hơn 100 xe ôm GrabBike đến yểm trợ. May mắn là lúc đó gã xe ôm truyền thống đã chuyển đến một vị trí khác.

Grabbike bán đứng lẫn nhau

Vào group Hội Grab Hà Nội mới thấy sự cạnh tranh khốc liệt của "gà nhà". Nhiều thành viên lên nhóm chửi bới vì bị chính anh em "bán đứng", chụp ảnh không đội mũ, mặc áo đồng phục, bắt khách dọc đường rồi báo lên công ty.

Cũng theo thông tin từ Zing News thì mới đây thành viên  Quang H. có than vãn về việc bị tổng đài công ty gọi điện cảnh cáo do thiếu đồng phục. Nhân viên của công ty nói rằng một lần nữa vi phạm sẽ bị khóa tài khoản vĩnh viễn. Trước đó, H. nói rằng cậu có đi dép lê đứng bắt khách.

Grabbike đôi khi còn tự bán đứng lẫn nhau

Ngoài việc phải cạnh tranh với xe ôm truyền thống, Grabbike còn phải đối mặt với "đấu tranh" nội bộ. Ảnh: Zing News

Sáng hôm trước, khi đang đứng với hai GrabBike ở đường Nguyễn Khánh Toàn thì bất ngờ có một GrabBike khác đi qua chụp ảnh H. đi dép. Ngay buổi chiều, H. nhận được điện thoại từ tổng đài.

Trường hợp của H. không phải là lần đầu tiên hay duy nhất mà trước đó một Grabbike có tên Minh vừa bị đuổi oan, mà nguyên nhân là do bắt khách ngoài. Minh cho biết sau khi tắt ứng dụng cậu vẫn mặc đồng phục chở chị gái đi siêu thị. Không ngờ bị đồng nghiệp chụp ảnh gửi cho tổng đài. Dù đã gọi điện lên công ty giải thích nhưng họ vẫn khóa tài khoản của cậu.

Theo chia sẻ của người tên Minh này thì Grabbike giờ thảm lắm, vừa lo lắng bị xe ôm truyền thống hành hung lại vừa phải cạnh tranh với UberMoto, giờ lại bị đồng nghiệp xăm xoi chơi xấu.

Ra các bến xe mới thấy các GrabBike giơ điện thoại ra không phải để đón cuốc mà để chụp ảnh, "tố" nhau lên công ty. Thậm chí, mới đây tại bến xe Giáp Bát một GrabBike bị xe ôm truyền thống trấn lột mũ những người khác chỉ đứng cười.

Bắt đầu có Grabbike vẫy khách như xe ôm truyền thống

Khi đã phát triển đến độ nhất định, lượng khách thì chỉ có hạn nên những Grabbike ở bến xe thay vị đứng đợi khách hàng đặt xe trên thiết bị thì họ sẵn sàng "lao" ra và vẫy khách y như xe ôm truyền thống.

Tại bến xe Mỹ đình "lãnh địa" của Grab và xe ôm truyền thống được phân biệt rạch ròi.

Grabbike vẫy khách

Tại các bến xe, không ít Grabbike phá luật và vẫy khách như xe ôm truyền thống. Ảnh: Zing News

Xe ôm truyền thống có thể đứng trước cổng, vào sân, nhà chờ bến xe để bắt, chèo kéo, mời mọc khách. Trong khi đó, Grab chỉ đứng “hóng” vòng ngoài hoặc đứng đợi trên vỉa hè. Song, số lượng người đứng chờ khách đặt xe thì ít mà lượng Grabbike phá “luật chơi” bằng cách bắt khách dọc đường, không qua hệ thống ngày càng nhiều.

Giải thích cho chuyện này, anh H. cho biết, mặc dù đã có lệnh giới nghiêm nhưng Grab vẫn chạy “chui” không qua hệ thống bởi khi chạy ngoài, họ vừa không chỉ tránh bị ăn chia (15% chi phí chuyến) cho công ty mà còn có thể tính giá cao hơn.

Theo ghi nhận của phóng viên Zing News thì trong khoảng 1 tiếng đồng hồ, số lượng GrabBike bắt được khách qua hệ thống chỉ trên đầu ngón tay trong khi số khác lại hối hả với những cuốc xe hợp đồng miệng.

Xuất hiện Grabbike "nhái"

Khi xe ôm "công nghệ" phát triển mạnh mẽ thì lượng khách mà xe ôm truyền thống có được cũng ít đi. Bởi vậy, nhiều người đi xin hoặc mua mũ, áo của những người từng chạy Grabike để tiện... "hành nghề".  Những người này thường chỉ đội mũ hoặc mặc áo của Grab chứ không có nguyên bộ như những Grabbike "chính chủ".

Grabbike nhái

Vì sự phát triển mạnh mẽ của xe ôm "công nghệ" nên cánh xe ôm truyền thống cũng "biến" mình thành một phần của Grab thông qua trang phục. Ảnh: Zing News

Đội ngũ xe ôm công nghệ “nhái” thường dựng xe cùng nhóm GrabBike nhưng đứng trước cổng bến bắt khách. Khi “săn được mồi”, họ cho khách đợi ở cổng chính rồi đi bộ ra đường lấy xe đến đón.

Khi được hỏi sao cánh xe ôm công nghệ không chụp ảnh, báo cáo công ty về tình trạng Grabike “nhái” để xử lý, anh H. lắc đầu bảo: “Xử lý làm sao được. Họ mặc gì là quyền của họ. Hơn nữa công ty cũng chẳng rảnh rỗi để đi giải quyết những việc này”.

Những Grabbike cũng chẳng thể nói gì bởi ở bến xe chính họ cũng "phá luật" đi vẫy khách như thường. 

Nguyễn Quỳnh (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN