Thứ sáu, 22/11/2024 | 00:56
RSS

Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền góp phần khiến bạo lực học đường gia tăng?

Thứ ba, 02/04/2019, 15:11 (GMT+7)

Nhiều ý kiến cho rằng chính việc giới trẻ thần tượng các “giang hồ mạng” như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền... góp phần dẫn đến tình trạng bạo lực học đường trầm trọng như hiện nay.

Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền góp phần khiến bạo lực học đường gia tăng?
Hình ảnh Khá Bảnh được nhiều bạn trẻ hâm mộ chào đón

Hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều những video văng tục, chửi bới, diễn cách hành xử kiểu giang hồ thu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ với hàng triệu lượt xem và bình luận. Điều đáng nói là không chỉ dừng lại ở việc xem và bình luận các video, nhiều bạn trẻ còn coi các “giang hồ mạng” như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền… là thần tượng, tung hô ca ngợi các đối tượng này.

Thực trạng này khiến không ít người lo lắng. Thậm chí có những ý kiến cho rằng chính việc giới trẻ thần tượng các “giang hồ mạng” đã tác động không nhỏ đến nhiều học sinh, góp phần dẫn đến tình trạng bạo lực học đường trầm trọng như hiện nay.

Lý giải về điều này, Tiến sĩ Vũ Thu Hương chuyên gia Tâm lý - giáo dục cho rằng, hiện tượng giới trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh thần tượng những giang hồ mạng có thể nói là một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường gia tăng. Tuy nhiên đây không phải là nguyên nhân lớn nhất.

Tiến sĩ Hương phân tích, các “giang hồ” mạng có ảnh hưởng nếu trong trường hợp đứa trẻ xem những người như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền là thần tượng, người truyền cảm hứng. 

“Những đoạn clip khoe hình xăm trổ, đòi nợ thuê, hù dọa thanh trừng lẫn nhau, văng tục, chửi thề... của các giang hồ mạng có thể cổ động trẻ con làm việc xấu nếu bản thân những đứa trẻ có sẵn tư tưởng làm việc xấu trong đầu. Cụ thể, đứa trẻ đã muốn làm việc xấu nhưng mà chưa dám làm vì sợ cái này cái kia. Khi nó xem những clip của các đối tượng trên thì nó nghĩ có thể làm được và dám làm. 

Trong trường hợp đứa trẻ bản thân nhân cách tốt, gia đình giáo dục tốt thì khả năng ảnh hưởng là không cao” - Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho hay.

Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền góp phần khiến bạo lực học đường gia tăng?
Dương Minh Tuyền được giới trẻ chào đón như ngôi sao khi xuất hiện tại Hưng Yên 

Lý giải về việc bạo lực học đường hiên nay trở nên trầm trọng hơn, Tiến sĩ Hương cho biết, nguyên nhân lớn nhất ở đây là những đứa trẻ Việt Nam bây giờ rất coi thường pháp luật Điều này được hình thành do ảnh hưởng từ bố mẹ, thầy cô và từ việc giáo dục đạo đức trong nhà trường không ổn. Cụ thể, những đứa trẻ được ca ngợi trong trường học hiện nay không phải là những đứa trẻ có đạo đức tốt, mà là những học sinh đem lại lợi lộc gì đấy cho thầy cô như học tập tốt, có giải thưởng…

Và nguyên nhân quan trọng nhất là việc bố mẹ không hề quan tâm gì đến con cái. Có rất nhiều đứa trẻ phạm tội trong các vụ trọng án, khi phỏng vấn bố mẹ đều nhận được câu trả lời là không hiểu tại sao vì ở nhà rất ngoan hiền. 

Một đứa trẻ bình thường không thể tự nhiên có những hành vi lệch chuẩn hay phạm tội mà phải trải qua một quá trình biến đổi lớn. Tuy nhiên, khi phụ huynh - nhưỡng người gần gũi với đứa trẻ nhất cũng không hề quan tâm, không cần biết con mình là ai và như thế nào thì đứa trẻ thực sự có thể làm bất cứ điều khủng khiếp nào.

Có nên ngăn cấm trẻ xem và thần tượng giang hồ trên mạng xã hội?

Trước băn khoăn của nhiều phụ huynh về việc có nên ngăn cấm con trẻ xem các clip bạo lực của các “giang hồ mạng” hay không, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương cho rằng bố mẹ có muốn cũng không ngăn cấm được.

Tiến sĩ Hương khẳng định: “Các bố mẹ phải giải quyết tận cùng vấn đề chứ không phải chỉ cấm đoán là xong. Cần phải hiểu rằng khi các bạn trẻ yêu thích, thần tượng những hiện tượng đấy nghĩa là cuộc sống văn hoá nghèo nàn, không phong phú. Vì vậy, các bạn ấy mới tìm đến thú vui lệch chuẩn”.

Tiến sĩ Hương cho rằng để hạn chế con trẻ chịu ảnh hưởng của các thần tượng giang hồ trên mạng xã hội và đặc biệt là những hành vi lệch chuẩn của họ thì nên giúp đời sống tinh thần của trẻ trở nên phòng phú hơn. Cụ thể, tham gia các hoạt động thể thao, cộng đồng, xã hội… Khi tham gia các hoạt động lành mạnh rồi sẽ hạn chế việc bị ảnh hưởng của những hoạt động, trào lưu không lành mạnh.

Ngày 22/3 vừa qua, một học sinh lớp 9 trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) bị 5 bạn học cùng lớp lột hết quần áo, túm tóc, liên tục đấm đá vào vùng đầu, mặt... ngay tại trường.

Đoạn clip ghi lại vụ việc sau đó được phát tán trên mạng đã khiến dư luận “dậy sóng” bởi cảnh tượng cô gái 15 tuổi ngồi co ro trên nền nhà, trần truồng, bất lực trước mọi đòn đau mà bạn học giáng xuống đầu...

Điều đáng nói là khi cơ quan công an đang điều tra vụ việc trên, thì ngày 1/4, mạng xã hội lại xuất hiện clip ghi cảnh nữ sinh THCS ở Nghệ An bị nhóm bạn chửi bới, bắt quỳ rồi liên tục tát vào mặt dù nạn nhân khóc lóc, xin lỗi, gây bức xúc dư luận.

Thực tế, những năm gần đây, hàng loạt vụ bạo lực học đường tương tự đã xuất hiện nhan nhản trên Facebook.

Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2018, cả nước phát hiện 1.547 vụ xâm hại trẻ em, với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em (giảm 2,8% so với năm 2017). Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. Hà Nội xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em nhất (88 vụ), tiếp đến là TP.HCM (77 vụ), Đắk Lắk (52 vụ), Tây Ninh (51 vụ)…

 

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN