Thứ năm, 21/11/2024 | 00:47
RSS

Hơn 100 vụ tai nạn giao thông ở Thanh Hóa liên quan đến học sinh

Thứ sáu, 25/10/2024, 16:00 (GMT+7)

Chỉ trong 9 tháng năm 2024, Thanh Hoá có 113 vụ tai nạn liên quan đến học sinh khiến 21 em tử vong, 103 em bị thương.

Lực lượng CSGT xử phạt nhiều học sinh vi phạm TTATGT.

Ngày 25/10, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 694 vụ TNGT, làm chết 291 người, bị thương 597 người; so cùng kỳ 2023 tăng 11 vụ, giảm 30 người chết, tăng 31 người bị thương.

Trong đó, TNGT liên quan đến học sinh xảy ra 113 vụ, làm 48 người chết, 144 người bị thương. Đặc biệt, có 21 học sinh tử vong, 103 học sinh bị thương.

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động lập biên bản xử lý hơn 88.000 trường hợp; tạm giữ hơn 23.000 phương tiện, tước giấy phép lái xe, đăng ký gần 13.000 trường hợp; xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước hơn 200 tỷ đồng, trong đó xử phạt học sinh vi phạm hơn 5.000 trường hợp, với số tiền 3,8 tỷ đồng.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông khiến 1 học sinh tử vong.

Theo Công an Thanh Hoá, 9 tháng năm 2024 tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, TNGT tăng về số người bị thương. Các hành vi liên quan đến vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, vi phạm không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy, xe đạp điện bị xử phạt đều tăng về số trường hợp vi phạm so với 9 tháng năm 2023.

Nguyên nhân dẫn đến số vụ TNGT tăng có một phần do học sinh chưa đến tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, song phụ huynh vẫn giao xe cho con.

Ngành chức năng cho rằng, hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT ở một số địa phương chưa tạo được sức lan tỏa sâu rộng; chưa thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm những trường hợp vi phạm TTATGT khi có thông báo của cơ quan chức năng nên tác dụng răn đe, giáo dục chưa hiệu quả; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận người dân và học sinh chưa cao...

Công an Thanh Hoá cũng khuyến cáo, để tránh những vụ TNGT đáng tiếc xảy ra đối với thanh thiếu niên và học sinh, cha mẹ phải vướng vào vòng lao lý, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là cần quản lý, nhắc nhở, không giao xe cho con điều khiển tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện để tránh xảy ra điều đáng tiếc.

Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về TTATGT. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải cụ thể, rõ ràng để tác động hiệu quả trực tiếp đến đối tượng đặc thù là học sinh, qua đó góp phần giáo dục đạo đức, lối sống và hình thành ý thức, thói quen tuân thủ pháp luật.

Bình Minh
Theo Giáo dục & Thời đại