Thôi miên là một trạng thái nhân tạo, gây ra một giấc ngủ cục bộ và có đặc điểm tăng tính ám thị. Khi sử dụng ám thị điều trị không kết quả, người ta sử dụng ám thị trong thôi miên.
Các giai đoạn Thôi miên:
Giai đoạn 1: Giai đoạn buồn ngủ. Bệnh nhân trong trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn. Giai đoạn này bệnh nhân có thể cưỡng lại được ám thị của thầy thuốc;
Giai đoạn 2: Giai đoạn ngủ nông. Bệnh nhân không thể tự mở mắt ra được. Giai đoạn này đã có thể thực hiện ám thị của thầy thuốc. Đánh thức dậy, bệnh nhân sẽ nhớ sự kiện xảy ra;
Giai đoạn 3: Giai đoạn ngủ sâu, miên hành. Bệnh nhân tiếp tục ngủ. Thầy thuốc có thể ra lệnh cho bệnh nhân mở mắt, đi lại, nói chuyện, thực hiện ám thị mà vẫn đang ngủ. Đánh thức dậy, bệnh nhân sẽ quên hết mọi việc đã xảy ra.
Tác động của Thôi miên:
Hiệu lực của ám thị trong thôi miên rất lớn, nhất là đối với thần kinh thực vật: mạch giảm, huyết áp giảm, giãn mạch ngoại vi, thay đổi hô hấp, bài tiết, điều hòa thân nhiệt, phân bố dinh dưỡng …;
Qua thôi miên, có thể tạo ra những triệu chứng thực nghiệm cho người bệnh như đau đầu, lo lắng, trạng thái nặng nề về tim mạch. Ngược lại, cũng có thể ức chế dấu hiệu bệnh lý của bệnh nhân.
Kỹ thuật Thôi miên:
1. Những nguyên tắc chung: Các yếu tố thuận lợi thúc đẩy giấc ngủ cũng là yếu tố thúc đẩy thôi miên: yên tĩnh, giảm ánh sáng, tư thế nằm thoải mái, kích thích đều đều, gõ nhịp…; Lần thôi miên sau dễ hơn lần thôi miên trước do phản xạ có điều kiện.
2. Tiếp xúc sơ bộ trước liệu trình thôi miên: Nghiên cứu kỹ bệnh sử, tiền sử, triệu chứng bệnh lý để chuẩn bị cách diễn đạt các triệu chứng của bệnh nhân trong quá trình thôi miên bằng ngôn ngữ hình tượng; Giải thích hợp lý, tạo niềm tin sẽ giải quyết được bệnh;
Các phương pháp thôi miên:
Xoa dọc người: xoa từ đầu đến chân, sát da hay không chạm da;
Kết hợp nhìn tập trung vào một ngón tay hay vệt sáng cách 20cm hơi chếch lên phía trên đầu, kết hợp với lời nói;
Bác sĩ/Chuyên gia trị liệu nhìn vào mắt bệnh nhân (gốc mũi). Bệnh nhân nhìn vào mắt bác sĩ. Bác sĩ ám thị;
Bác sĩ chỉ dùng lời nói mô tả giấc ngủ;
Gõ nhịp, …
Tiến hành ám thị:
Chọn một trong các phương pháp trên để học cách thôi miên.
Khi nhìn vào mắt bệnh nhân thấy đồng tử từ hơi co đến giãn và dần nhìn một thành hai;
Xuất hiện một ánh sáng ở mắt (do nước mắt tiết ra). Bệnh nhân thấy cay, mỏi. Bác sĩ nói: “Anh (chị) thấy cay cay trong mắt, mắt đã mỏi rồi, rất muốn nhắm lại rồi, hãy nhắm mắt lại đi”;
Tiếp tục gây cảm giác yên tĩnh, thoải mái, nặng khắp người, buồn ngủ bằng một giọng nói đều đều, quả quyết: “Anh vẫn đang nghe lời nói của tôi”;
Khi thấy dấu hiệu giấc ngủ thôi miên: mắt từ từ nhắm, mi mắt run nhẹ, chi ngả xoay ra ngoài, mạch giảm, … sẽ ám thị. “Tay phải liệt rồi, tay sẽ dần dần hồi phục lại, sẽ khỏe lại và cử động bình thường. Sau khi anh ngủ dậy, anh sẽ thấy khoan khoái dễ chịu và tay phải sẽ cử động bình thường”.
Giải thôi miên (thoát ra trạng thái thôi miên): Phải từ từ, nói: “Tôi đếm từ 1 đến 10 anh sẽ tỉnh dậy, … Anh đã tỉnh rồi, hãy mở mắt ra.”
Tham khảo tài liệu học cách thôi miên trên, bạn sẽ hiểu hơn về giá trị, lợi ích của ngành thôi miên và thôi miên trị liệu.