Thứ hai, 25/11/2024 | 05:00
RSS

Hoa hậu Thu Thủy: Tôi là người yếu đuối, không chịu nổi thị phi

Thứ bảy, 04/08/2018, 13:00 (GMT+7)

Thu Thủy đăng quang Hoa hậu Việt Nam năm 1994 khi mới 18 tuổi. Người đẹp cũng giành giải "Ứng xử hay nhất" tại cuộc thi. Ở tuổi 42, Thu Thủy vẫn toát ra thần thái sang trọng, không thua kém đàn em.

Hoa hậu Thu Thủy: Tôi không nghĩ Hoa hậu là một nghề
Hoa hậu Thu Thủy: Tôi không nghĩ Hoa hậu là một nghề

Bố mẹ sợ ế chồng nên động viên thi hoa hậu

- Nhiều người tò mò Hoa hậu Thu Thủy giờ làm gì?

Tôi không tham gia showbiz nhưng lại hoạt động ở lĩnh vực truyền hình. Hiện tôi đang làm biên tập viên cho Đài Truyền hình Công an Nhân dân. Tôi dẫn một bản tin trực tiếp vào 11 giờ trưa hàng ngày. Bản tin về tình hình an ninh, trật tự xã hội - không liên quan gì đến văn hóa giải trí cả. Nó thiên về các vấn đề xã hội, hợp với mình hơn.

Bên cạnh đó, một hoạt động khác nữa là tôi đang tập yoga. Tôi muốn sau này có một số hoạt động gì đó để giúp đỡ mọi người về cả thể chất lẫn tinh thần mạnh khỏe. Chăm sóc sức khỏe bản thân, cũng như có một lối sống cân bằng giữa thể chất tinh thần và niềm đam mê công việc.

- Người ta nói, hoa hậu là nghề hái ra tiền, vậy tại sao chị không tham gia showbiz như các hoa hậu khác?

Tôi đăng quang cách đây hai mươi mấy năm rồi. Khi ấy, ngành giải trí của Việt Nam chưa được như bây giờ. Lúc đó tôi rất bỡ ngỡ. Bên cạnh đó, xuất phát điểm của tôi từ trong một gia đình trí thức nên đi theo con đường học hành. Tôi thấy nó phù hợp với mình hơn. Tôi cũng là một người tương đối yếu đuối. (Cười) Không chịu nổi thị phi, là người hướng nội nên tôi chọn theo hướng khác.

Bây giờ tôi vẫn hoạt động trong showbiz, thậm chí nổi tiếng hơn ngày xưa. (Cười) Với cái cách tôi cân bằng, bởi con người ai cũng thế - ngoài sự nổi tiếng cần có một sự cân bằng bên trọng. Sự cân bằng nội tại ấy chỉ có được khi làm đúng công việc của mình. Được sống đúng với con người thật của mình thì người ta mới bền vững.

- Nghe chị kể, dường như hào quang của vương niệm hoa hậu của chị vẫn còn tỏa sáng?

18 tuổi tôi đi thi Hoa hậu. Lúc đó chỉ nghĩ rằng mình cao quá, nhất là trong gia đình lại là người hướng nội, không biết giao tiếp nhiều nên bố mẹ động viên đi thi để tự tin hơn. Bố mẹ sợ sau này ế chồng. Thế rồi may mắn đi thi lại được Hoa hậu. 

Sau khi đăng quang, tôi cũng không biết gì nhiều. Thiếu rất nhiều kỹ năng, nghĩ lại nếu được như bây giờ, có nhiều người tư vấn để khi đi ra nước ngoài trả lời báo chí truyền thông… Tất cả các thứ đường đi nước bước, ăn nói. Kể cả khi học ở trong trường nữa. Hồi đó tôi học Ngoại giao. Một trong những lý do khiến tôi bỏ dở Ngoại giao giữa chừng là vì không cân bằng được sự nổi tiếng, được mọi người chú ý với việc học tập. Nếu có được những sự giúp đỡ, tư vấn đó thì mình sẽ vững chãi hơn, bớt sai lầm nhiều.

- Nói như vậy nghĩa là chị có ít nhiều tiếc nuối?

Tôi không tiếc nuối với những gì đã xảy ra. Đặc biệt bây giờ bản thân mình lại là người tập yoga. Mọi điều xảy ra nó đều đúng là phải xảy ra như thế. Một trong những triết lý của người luyện tập yoga là cái gì xảy ra thì đúng là phải xảy ra, cái gì đang có là mình đang có. Tuy nhiên thì tôi đặt nó trong tương quan của mình. Với các bạn trẻ bây giờ, với tôi hai mươi mấy năm trước đây để thấy một sự so sánh. Và thấy được các bạn trẻ bây giờ có cơ hội như thế nào để phát triển.

Tuổi trẻ trôi qua nhanh lắm. Ngoảnh đi ngoảnh lại mình thấy con mình cũng đã lớn thành thanh thiếu niên đến nơi rồi. Cho nên đừng đắn đo chần chừ gì nữa. Đừng ngại ngùng, kể cả mắc sai lầm cũng được. Hãy thể hiện hết mình, hãy sống hết mình với những năm tháng tuổi trẻ đẹp đẽ ấy.

Hoa hậu Thu Thủy: Tôi không nghĩ Hoa hậu là một nghề
Thu Thủy thừa nhận dao kéo ở tuổi 42

Có người thi Hoa hậu đổi đời, lấy chồng

-Tại các cuộc thi Hoa hậu gần đây, dao kéo là một vấn đề khá nổi cộm. Theo chị có nên cởi mở hơn đối với các người đẹp dao kéo?

Cái này thì còn tùy vào tiêu chí của từng cuộc thi. Tôi nghĩ các cuộc thi nhan sắc đề cao và hướng xã hội đến với các giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Cái giá trị Chân cũng phải đi cùng. Thế nhưng cũng tùy vào các cuộc thi. Có những cuộc thi thì cũng cởi mở hơn. Tính thương mại nó cao hơn thì họ có thể chấp nhận cho những người đã từng qua dao kéo. Một xứ sở Hoa hậu như Venezuela chẳng hạn, họ vẫn chấp nhận. Rõ ràng tôi thấy, nhiều cô người đẹp, Hoa hậu sau này khi họ can thiệp thì vẻ đẹp hoàn hảo hơn.

- Nhìn lại trường hợp Lê Âu Ngân Anh tại Hoa hậu Đại dương 2017 thì sao?

Tôi cũng ở trong Ban Giám khảo Sơ khảo Hoa hậu Đại dương. Tôi thấy công chúng khắt khe quá. Thứ nhất là bạn ấy trẻ, và thứ hai là bạn ấy đẹp. Ai cũng muốn hoàn thiện hơn, ngay cả tôi cũng thế. Bây giờ ra ngoài nếu mình thấy cô này mũi thẳng hơn hay cô kia có vòng eo bé hơn thì mình cũng muốn sửa một tí. Ngay như tôi cũng đã can thiệp rồi.

- Rất nhiều người xem Hoa hậu là một nghề, chị có nghĩ thế?

 Tôi không nghĩ Hoa hậu là một nghề. Nếu ai đang nghĩ Hoa hậu là một nghề thì đó là một sự nhầm lẫn rất lớn. Hoa hậu là một danh hiệu, có thể tạm gọi là biểu tượng. Tại sao các cuộc thi Hoa hậu bị mọi người kêu ca nhưng họ vẫn xem. Có bao nhiêu bạn bè trên Facebook tôi, cứ mỗi cuộc thi lại chửi ỏm tỏi cả lên nhưng cuộc thi nào cũng xem và bình luận. Bởi vì nó là Chân - Thiện - Mỹ. Nó hướng người ta đến những cái đẹp hơn. Con người ai cũng mong muốn hướng đến cái đẹp hơn. Cái điều khiến người ta cằn nhằn, kêu ca bởi nó không đúng được như kỳ vọng mà họ trông đợi. Bao giờ nó cũng có một mẫu số chung cho cái đẹp, cho mỗi thời đại, mỗi xã hội. Hoa hậu là cái biểu tượng ấy. Biểu tượng cho nhan sắc, cho vẻ đẹp mà xã hội hướng đến.

- Nhưng có một thực tế rằng, bất cứ cô nào đăng quang vương miện Hoa hậu đều rất đắt show dự event, quảng cáo, kiếm tiền… tóm lại là đổi đời. Chị có thừa nhận điều này?

Tôi thừa nhận. Xã hội nào cũng thế, giá trị nó đảo lộn. Tôi nghĩ rằng đến một lúc nào đó, mọi thứ sẽ về đúng chỗ của nó. Bây giờ có thể người ta nghĩ Hoa hậu là một nghề, Hoa hậu là một cơ hội. Tôi cũng biết là có rất nhiều người sẵn sàng đổi lấy vương miện Hoa hậu bằng mọi giá. Họ nghĩ rằng đây là một cuộc mua bán. Ví dụ họ đầu tư một mức tiền này, khi họ được Hoa hậu sẽ lấy lại. Có người thi Hoa hậu đổi đời, lấy chồng.

Không vì cái đấy mà mình buồn, bởi cuộc sống xã hội có nhiều mặt của nó. Tuy nhiên tôi nghĩ cái gì nó trường tồn sẽ trường tồn, cái giá trị gì mang lại thì nó vẫn sẽ mang lại.

-Có cảm giác như ở Việt Nam, Hoa hậu đang quá được đề cao?

Chính xác. Tôi thấy là mọi người hơi đề cao quá. Ngay bản thân tôi cũng thế. Đến bây giờ, sau hai mươi mấy năm rồi - mọi người vẫn đặt lên vai mình nhiều thứ rất nặng nề với danh hiệu Hoa hậu. Tôi là Hoa hậu của hai mươi mấy năm trước, chứ không phải bây giờ. Thi thoảng lên Facebook ăn nói nhố nhăng chút, mọi người lại bảo Hoa hậu mà ăn nói thế à, phát ngôn thế à… Đầu tiên người ta cũng là con người.

Có thể một lúc nào đó họ có danh hiêu, có sứ mệnh nào đó nhưng ở một khoảng thời gian nhất định. Sau đó thì thôi chứ, phải để cho họ sống với chứ. Đến bây giờ tôi rất tự hào khi những người thân quen, bạn bè - họ không bao giờ coi mình là Hoa hậu. Đó là một gánh nặng và rất áp lực!

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện trên!

Xem thêm: Vỡ mộng trong hôn nhân cùng Hoa hậu Thu Thủy

Phạm Lý
Theo Đời sống Plus/GĐVN