Thứ năm, 23/01/2025 | 11:42
RSS

Hé lộ nỗi buồn lớn nhất của Thương Tín và điều muốn thực hiện với mẹ ngoài 90 tuổi dịp Tết

Thứ năm, 23/01/2025, 11:41 (GMT+7)

Chia sẻ với Dân Việt, nhạc sĩ Tô Hiếu - người đang chăm sóc diễn viên Thương Tín cho biết sẽ đưa nam diễn viên về quê của ông ở Phan Rang sau vài ngày tới.

Thương Tín khóc khi nói về mẹ đẻ, nhớ con gái

Nhạc sĩ Tô Hiếu cho biết sẽ đưa diễn viên Thương Tín đi tái khám vào ngày 24/1, sau đó sẽ tự lái xe đưa đàn anh về quê ăn Tết với mẹ.

Kể về nguyện vọng của nam diễn viên Biệt động Sài Gòn, nhạc sĩ Tô Hiếu cho biết, ông đặc biệt muốn đón Tết cùng mẹ vì bà đã ngoài 90 tuổi, ông sợ sau này sẽ không còn cơ hội để ăn Tết cùng mẹ. 

Nam diễn viên tâm sự với Tô Hiếu rằng, hiện giờ còn mẹ nên muốn về, sau này mẹ mất đi rồi sẽ không còn cơ hội nữa. "Anh Thương Tín nói xong rồi khóc" -  nhạc sĩ Tô Hiếu kể. 

Diễn viên Thương Tín khóc khi nhắc đến mẹ đẻ. Ảnh: FBNV

Theo nhạc sĩ Tô Hiếu, diễn viên Thương Tín nhiều năm qua sống xa nhà, ông chưa bao giờ về ăn Tết với mẹ đẻ. Hiện tại, mẹ của nam diễn viên đã không còn minh mẫn.

"Nhưng nỗi buồn lớn nhất của anh Thương Tín là nỗi nhớ con gái và buồn vì không được gặp con gái", ông bày tỏ.

Dù hiện tại diễn viên Thương Tín đã được nhạc sĩ Tô Hiếu cho ở lại TP. HCM theo mong muốn của ông, nhưng nam diễn viên vẫn buồn vì không có ai bên cạnh. Con trai nam diễn viên cũng không liên lạc với bố. 

Diễn viên Thương Tín thời trẻ. Ảnh trong phim

Gần đây, nam diễn viên cũng không đi đâu, gặp gỡ ai do chân bị đau. Thương Tín giải khuây bằng một chiếc Ipad và sinh hoạt phụ thuộc vào người giúp việc bởi ông không làm gì được, chỉ đi lại túc tắc bằng dụng cụ hỗ trợ. Hàng ngày, ông chỉ quanh quẩn tập đi, có lúc được giúp việc đưa xuống sân ngồi chơi. Thỉnh thoảng nhạc sĩ Tô Hiếu đưa ông ra công viên cho đỡ buồn. 

"Gần đây cũng có một số fan hỏi thăm anh Thương Tín nhưng không có ai gửi tặng quà" - nhạc sĩ Tô Hiếu chia sẻ. 

Theo nam nhạc sĩ, từ khi ở TP. HCM đã có 2 người giúp việc ông thuê cho Thương Tín xin nghỉ, ra Tết ông phải tìm người mới. Dù công việc không quá vất vả, người giúp việc đầu tiên là phụ nữ nên ông không thấy phù hợp với việc chăm sóc cho nam diễn viên. Người thứ 2 là đàn ông nói do công việc nhàm chán quá nên không muốn tiếp tục. 

Nam nhạc sĩ cũng là người lo toàn bộ chi phí thuê giúp việc, sinh hoạt và tiền thuốc men cho Thương Tín, nhưng từ chối tiết lộ con số cụ thể. Gia đình Thương Tín gần đây có lên thăm và lì xì cho người chăm sóc ông.

Trước đó, Thương Tín bị vỡ xương bánh chè chân phải, chân trái bị viêm khớp gối nên xin ở nhờ nhà Tô Hiếu suốt hai tháng để tiện chữa bệnh. Dù tuân thủ điều trị, tình trạng chân của ông vẫn không cải thiện.

Thương Tín sinh năm 1956 trong một gia đình đông con ở Phan Rang (Bình Thuận). Vì đam mê nghệ thuật cải lương từ nhỏ nên Thương Tín đã bỏ nhà theo một gánh cải lương chỉ để được vào vai "không cần thoại" khi mới 13 tuổi với mong muốn theo đoàn hát lưu diễn ở khắp nơi.

Sau đó, gia đình gửi Thương Tín vào học tại Trường Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ ở Sài Gòn. Ra trường, ông đầu quân cho đoàn kịch nói Cửu Long Giang rồi đoàn Kim Cương. Tại đoàn Kim Cương, ông được đóng cặp với kỳ nữ Kim Cương và nhanh chóng trở nên nổi tiếng với những vở diễn gây ấn tượng với khán giả như: Bông hồng cài áo, Vực thẳm chiều cao, Huyền thoại mẹ… Thương Tín đã diễn tổng cộng trên 100 vai kịch, hai phần ba số đó là vai chính, vai kép độc.

Thành công với sân khấu cải lương, Thương Tín bắt đầu tham gia vào lĩnh vực điện ảnh và nhanh chóng được nhiều khán giả biết đến. Một số vai diễn ông thể hiện như: Vai thiếu tá Lưu Kỳ Vọng trong Ván bài lật ngửa, tướng cướp Bạch Hải Đường trong SBC, Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn, Tám Thương trong Chiến trường chia nửa vầng trăng... khiến người xem nhớ mãi. Ông là một trong những diễn viên tham gia nhiều phim truyện nhựa, video nhất Việt Nam (tính đến năm 2015) với gần 200 phim.

Hà Thúy Phương
Theo Dân Việt