Thứ năm, 25/04/2024 | 21:00
RSS

Hãy buông tha các tuyển thủ U23 Việt Nam, chắc họ 'mệt lắm rồi'!

Thứ tư, 31/01/2018, 06:56 (GMT+7)

Với danh nghĩa người hùng vừa mang vinh quang về cho Tổ quốc, thầy trò Park Hang-seo đáng lẽ phải nhận những gì tốt nhất, thoải mái nhất cho bản thân họ, thay vì “hành xác” để tiếp tục phục vụ công chúng.

Hãy buông tha các tuyển thủ U23 Việt Nam

Các tuyển thủ U23 liên tục phải "hành xác" để phục vụ công chúng

Hơn 10 tiếng kể từ thời điểm đặt chân xuống Nội Bài, các tuyển thủ không được ăn một bữa đúng nghĩa. Họ vừa bị VietJet chậm một giờ bay, tiếp tục hành xác 5 tiếng đồng hồ ngoài đường để người hâm mộ thấy tận mắt. Vừa kịp tắm táp, U23 Việt Nam lại bị lôi ra sân Mỹ Đình để giao lưu trong bữa tiệc mừng công giữa thời tiết mưa lạnh, với nhiệt độ xuống dưới 10 độ C.

Họ không được làm những điều mình muốn, dù là những nhu cầu tối thiểu. Có một câu chuyện đang được lưu truyền trong giới thể thao đó là các cầu thủ và cả HLV Park Hang-seo đã phải giải quyết “nỗi buồn” ngay trên xe buýt hai tầng bằng một chiếc xô.

Thực hư như nào chưa được người trong cuộc xác nhận, nhưng có một điều chắc chắn, nhiều tuyển thủ đã bị ốm sau chặng marathon dài đằng đẵng từ Nội Bài. Ngay cả ông thầy người Hàn cũng khản đặc tiếng trong buổi họp báo với VFF, một ngày sau ngày trở về Việt Nam.

Tại sao những người mang thân phận người hùng lại phải chịu tất cả những điều ấy? Thay vì ngủ ngon trong chăn ấm đệm êm, họ lại phải chạy đua thể lực, với những đối thủ không đến từ Qatar hay Uzbekistan.

Thay vì dùng những bữa ăn đủ dinh dưỡng, họ phải dùng bánh mỳ, bim bim để cầm hơi. Buồn nhất có lẽ là thủ môn Tiến Dũng. Anh chỉ muốn trở về nhà gặp mẹ, nhưng bất thành, vì còn phải chạy trốn khỏi vòng vây của hàng nghìn người hâm mộ.

Giành được thành công đã khó, nhưng sống được cùng thành công, với U23 Việt Nam có lẽ còn khó hơn. Bài học ấy được họ trải nghiệm ngay trên chính chuyến bay trở về quê hương. Thị giác, xúc giác và có lẽ là cảm giác của các tuyển thủ đã bị “đầu độc” khi các cô gái trong trang phục kiệm vải của VietJet uốn éo, mời mọc, và tranh thủ hình ảnh của U23 Việt Nam để làm các chiêu trò PR. Có cảm giác thầy trò Park Hang-seo giờ đang như một thỏi nam châm, mà bất cứ thành phần nào trong xã hội cũng muốn sám lại gần để được “thơm lây”.

Yêu đội tuyển, và rộng hơn là yêu đất nước là một tình cảm thiêng liêng, nhưng việc thể hiện sao cho chừng mực, đúng đắn và nhất là không khiến các thần tượng mệt mỏi lại là chuyện khác. Dòng người trải dài 30 kilomet kia, tại sao không nhường một lối đi cho chiếc xe buýt chở U23 Việt Nam, mà phải đứng tràn ra đường, chặn đầu xe, thậm chí dùng mọi cách để chạm vào tuyển thủ.

Họ là anh hùng, nhưng vẫn là con người, biết mệt vì 5 tiếng tắc đường, biết đói khi 10 giờ không có một bữa ăn đúng nghĩa. Nhưng trong cái đám đông hỗn độn kéo dài từ Nội Bài đến Mỹ Đình kia, dường như không ai hiểu điều ấy. Họ không cần biết những người ngồi trên xe muốn gì, mà chỉ quan tâm duy nhất đến ý thích của họ, là đổ ra đường, và thể hiện thứ tình cảm mù quáng.

Ngay cả những người lẽ ra phải hiểu cầu thủ nhất, là VTV cũng khiến nhiều người phải xót xa cho các tuyển thủ trong đêm mừng công. 23 tuyển thủ từng chung tay nhau hô vang câu “Quyết tâm” trước khi bắt đầu mỗi trận đấu, giờ lại bị phân biệt đối xử. Người được hiện hình ảnh, nói rõ quê quán, CLB đang khoác áo, thành tích ở giải châu Á, kẻ lại bị bỏ qua trong sự thờ ơ.

Điều đó, đi ngược lại triết lý "khối thống nhất" mà ông Park luôn nhấn mạnh. Ngay đến báo giới các nước cũng tỏ sự ấn tượng với cách các tuyển thủ U23 Việt Nam sát cánh bên nhau trong mỗi phút họp kỹ thuật, cách họ cùng nhau hô quyết tâm, cả cầu thủ đá chính lẫn dự bị. Còn trên sóng VTV, họ bỗng mang "phận thừa".

Bốn ngày sau trận chung kết với Uzbekistan, lịch giao lưu trực tuyến và hẹn trao thưởng cho U23 Việt Nam vẫn là một bản tiểu thuyết chưa có hồi kết. Có lẽ, ngoài việc tỉnh đón, huyện đón, xã đón, biết đâu còn có cả việc dòng họ đón. Hy vọng điều ấy không xảy ra. Nếu có, thì quả thực những người hùng U23 là những kẻ đáng thương.

Hồng Phúc
Theo Nông nghiệp Việt Nam