Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:40
RSS

Y sĩ vụ gần 50 trẻ bị sùi mào gà ở Hưng Yên: Chỉ vệ sinh làm sạch, không cắt rạch

Thứ ba, 18/07/2017, 20:37 (GMT+7)

Y sĩ Hoàng Thị H. khẳng định không dùng bất cứ dụng cụ y tế nào để cắt rạch bao quy đầu cho các cháu bé mà chỉ vệ sinh, lau rửa ổ mủ.

Những ngày qua, dư luận không ngớt xôn xao trước vụ việc hàng chục trẻ bị sùi mào gà sau khi thực hiện cắt, lộn bao quy đầu tại phòng khám của bà Hoàng Thị H. (xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).

Được biết hiện bà H. hiện đang là y sĩ tại Trạm Y tế xã Mễ Sở, cùng huyện Khoái Châu và có nhận khám chữa cho trẻ bị bệnh tật, viêm nhiễm tại nhà sau giờ làm việc hành chính.

trẻ bị sùi mào gà ở Hưng Yên 1

Trong các trẻ bị sùi mào gà ở Hưng Yên, có cháu mới 6 tháng tuổi. Ảnh Đời Sống Plus

Phòng khám của bà H. chỉ rộng khoảng 20m2, được bố trí ngay trong sân nhà với vật dụng, trang bị khá sơ sài, chỉ gồm giường và tủ thuốc. Trao đổi về vụ việc, bà H. cho biết các trẻ được đưa đến phòng khám của bà đều có bệnh về bao quy đầu: bí tiểu, sưng tấy, bao quy đầu đỏ và đau, có mủ, bã đậu.

Tuy nhiên, bà H. phủ nhận việc dùng dụng cụ y tế để cắt rạch cho trẻ như lời một số phụ huynh chia sẻ với báo chí. Thay vào đó, bà cho biết chỉ dùng nước sát khuẩn nhẹ để vệ sinh, làm sạch ổ mủ và bã đậu ở quy đầu cho các bé.

Sau đó, bà hướng dẫn phụ huynh cách 1-2 ngày đưa trẻ quay lại phòng khám để tiếp tục lau rửa quy đầu và dùng thuốc kháng viêm. Với các cháu bị hẹp bao quy đầu, bà H. cho biết chỉ nhỏ thuốc và dùng tay vê cho da bao quy đầu mềm để đưa xuống.

Đồng thời, bà H. cũng phủ nhận thông tin chỉ dùng cùng 1 đôi găng tay khi khám chữa cho nhiều cháu một lúc. “Trong quá trình này tôi đều dùng găng tay giá 500 đồng/đôi, dùng xong cho 1 bé là vứt luôn. Các trẻ đến rửa 1-2 lần đều khỏi bệnh. Sau đó bé về sống tại nhà, tại địa phương 4-5 tháng phát sinh bệnh gì thì thật sự tôi không biết”, y sĩ H. nói.

tre bi sui mao ga 2

Bà H. không biết lý do vì sao hàng chục trẻ mắc bệnh sùi mào gà. Ảnh VnExpress

Cũng theo lời nữ y sĩ, bà không nhớ đã chít hẹp bao quy đầu cho bao nhiêu trẻ vì không lưu tên bệnh nhân, không ghi sổ sách. Chi phí cho mỗi lần khám chữa cả tiền thuốc và tiền công dao động từ 300 – 500 nghìn đồng.

“Tôi về đến nhà, có ai nhờ làm gì thì tôi làm. Thật sự tôi không biết bệnh sùi mào gà của các cháu từ đâu ra”, bà H. chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều gia đình có con em bị mắc sùi mào gà tỏ ra bức xúc vì cho rằng trẻ nhiễm bệnh là do điều trị hẹp bao quy đầu tại phòng khám của bà H. Ngày 18/7, 10 gia đình có trẻ bị bệnh sùi mào gà sau khi thăm khám tại nhà bà H. đã viết đơn gửi lên Sở Y tế tỉnh Hưng Yên đề nghị làm rõ vụ việc.

"Tôi thấy bà H. dùng panh và tay để xử lý bao quy đầu cháu, đổ thuốc lên sau đó lộn da đầu. Về nhà, bộ phận này của cháu tôi rớm máu.

Sau đó cách ngày gia đình lại đưa cháu đến nhà bà H. để vệ sinh, tại nhà có bôi thuốc, lấy lá trầu không ngâm đắp. Sau 1 tháng, cháu nổi nốt sùi ở bộ phận sinh dục. Đưa đi khám, gia đình mới biết cháu bị sùi mào gà", bà nội của một trẻ kể lại.

sùi mào gà 3

sùi mào gà 4

Phòng khám tại nhà bà H. khá sơ sài. Ảnh Người Lao Động.

Liên quan đến sự việc, ông Lều Văn Quân - Chánh thanh tra Sở Y tế Hưng Yên, cho biết với chứng chỉ y sĩ, bà H. chỉ được thực hiện các dịch vụ tiêm, bông băng theo chỉ định của bác sĩ. Theo quy định, bà H. không được thực hiện các thủ thuật nong, cắt bao quy đầu cho trẻ, cũng không được phép đứng tên mở phòng khám tư.

"Nếu chứng minh bà H. hoạt động không phép, trong quá trình thực hiện kỹ thuật chuyên môn gây tai biến, cụ thể khiến các cháu bị sùi mào gà, thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức tương đối cao. Như lỗi hoạt động không phép, khung phạt là 50-70 triệu đồng, lỗi gây tai biến là 30-50 triệu. Ngoài ra, bà H. còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề"- ông Quân nói.

Được biết trong chiều 18/7, Sở Y tế Hưng Yên đã có buổi làm việc với bà Hoàng Thị H. liên quan đến nghi vấn hàng chục trẻ bị sùi mào gà sau khi được bà H. chữa trị hẹp bao quy đầu.

Bài thuốc quý cứu sống người bị tai biến chỉ trong 1 phút bằng lá ớt

Tri Thu (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN