Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:22
RSS

Hà Nội: Hơn 30 hộ dân ở xóm chài ven sông Hồng có thực sự bị chính quyền bỏ rơi, lâm vào cảnh khốn cùng?

Chủ nhật, 28/03/2021, 16:40 (GMT+7)

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, nhiều năm qua, chính quyền địa phương quyết liệt tuyên truyền, vận động người dân làm giấy khai sinh cho con trẻ và thay đổi cuộc sống lênh đên trên mặt nước để lên bờ nhưng đều không nhận được sự hợp tác.

Liên quan đến việc ven bờ sông Hồng thuộc địa phận phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) đang có hơn 30 hộ dân sinh sống lênh đênh trên mặt nước, trao đổi với PV Báo Gia đình & xã hội ông Nguyễn Quốc Văn – Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy khẳng định, việc đưa ra chính sách về nơi ở cho người dân xóm chài ở ven sông Hồng phải cấp quận/huyện mới có thể giải quyết, cấp phường chỉ chấp hành.

Ông Văn cho biết: "Những người ở đó gần như rơi và bước đường cùng, không giấy tờ hoặc là có giấy tờ nhưng họ không đưa ra mỗi khi có lực lượng chức năng kiểm tra. Có những người sinh sống ở đây mấy chục năm, có đến 3 thế hệ".


Cuộc sống lên đênh của người dân ở bờ sông Hồng.

Cũng theo ông Văn: "Hiện chúng tôi chưa có đề xuất gì liên quan đến sự tồn tại của hơn 30 hộ dân ở khu vực sông Hồng. Vì chúng tôi vẫn chưa biết quy hoạch rồi thì sẽ phải làm những gì. Còn đất ở thì phải xin cơ chế, chủ trương từ thành phố hoặc khi các hạng mục trong quy hoạch đã rõ ràng, mà có cảng và có các doanh nghiệp đầu tư thì may ra có cơ chế, chính sách đền bù, hỗ trợ".

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, theo nguyên tắc, đề án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt thì những người dân sinh sống ở khu vực này phải di dời hết.


Hình ảnh nhếch nhác tại xóm chài thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên.

Trao đổi với PV, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận Hoàn Kiếm có phường Chương Dương và phường Phúc Tân nằm trong diện phân khu đô thị sông Hồng, với diện tích 100ha và có sự tồn tại của nhiều hộ dân sinh sống trong xóm chài ở khu vực vùng ven bờ và trên mặt nước sông Hồng.

Về vấn đề giải quyết sự tồn tại của những xóm chài này, đại diện lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: "Tất cả những người dân sinh sống ở các xóm chài đều là người du mục, họ đều có quê quán, có nhà cửa đàng hoàng ở nơi khác. Họ đến đây sinh sống bằng nhiều nghề chứ không riêng nghề nhặt ve chai".

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, hình ảnh nhếch nhác về cuộc sống của người dân ở các xóm chài không chỉ là "bộ mặt" của quận Hoàn Kiếm, mà còn là "bộ mặt" của thành phố.


Cuộc sống lầm lũi của những đứa trẻ ở xóm chài, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên.

"Chính vì vậy, nhiều năm qua, chính quyền địa phương mời họ lên bờ họ cũng không lên. Chúng tôi quan tâm đặc biệt đến phụ nữ và trẻ em và nhiều lần xuống vận động để làm giấy khai sinh cho trẻ con mà cũng không xong. Họ đều không hợp tác", đại diện lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho hay.

Trước đó, Báo Gia đình & Xã hội đã ghi nhận cuộc sống cơ cực của người dân ở những xóm chài ven bờ sông Hồng (thuộc vùng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng).

Mặc dù đề án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang trong quá trình thống nhất, lấy ý kiến và dự kiến công bố vào tháng 6/2021 nhưng khi nhắc đến thông tin quy hoạch, hàng trăm người dân sinh sống ở xóm chài (thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) đều tỏ ra lo lắng với cuộc sống tương lai.


Ông Nguyễn Đăng Được - trưởng xóm chài lo lắng cho tương lai những đứa trẻ nơi đây.

Ông Nguyễn Đăng Được (75 tuổi, trưởng xóm chài) cho biết, ông đã quản lý người dân nơi đây hơn 30 năm qua. Cả khu dân xóm chài có 35 hộ với khoảng 120 nhân khẩu.

Liên quan đến quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, ông Được cho biết, vừa qua người dân nơi đây cũng có họp bàn và không khỏi lo lắng cho cuộc sống sau này.

Ông Được cho biết: "Mọi người cũng đang lo lắng vì đã sinh sống tồn tại ở đây mấy chục năm qua. Giờ nếu quy hoạch, nhiều gia đình sẽ mất nhà, mọi người chưa hiểu sẽ đi đâu, làm gì. Do đó, chúng tôi mong muốn Chính phủ, thành phố Hà Nội quan tâm đến những người dân xóm chài có nơi cư trú sau này để mọi người yên tâm sinh sống, làm việc. Hơn nữa là những trẻ nhỏ sẽ tránh được việc thiếu thốn nảy sinh trộm cắp, cướp giật…".

Theo dự thảo, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha với quy mô dân số từ 280.000 đến 320.000 người, kéo dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở; thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.

 

Bảo Loan
Theo Giadinh.net