Mở cửa lúc 8h30 sáng 9/5, Giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 36,22 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,32 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 30 ngàn đồng ở chiều mua vào và giảm 80 ngàn đồng chiều bán ra so với cuối phiên liền trước.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 36,18 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,37 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 20 ngàn đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối giờ ngày 8/5.
Tới đầu giờ sáng 9/5 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.289 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 năm 2019 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.292 USD/ounce. Giá vàng hôm nay thấp hơn 1,0% 123,5 USD/ounce) so với đầu năm 2018. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 35,7 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 600 ngàn đồng so với vàng trong nước.
Giá vàng hôm nay trên thị trường thế giới đã tăng trở lại.
Giá vàng thế giới quay đầu tăng khá mạnh do đồng USD giảm và sức cầu đối với mặt hàng kim loại quý bất ngờ tăng nhanh trong bối cảnh bất ổn địa chính trị leo thang tại Trung Đông, sau khi Iran tuyên bố các lực lượng của Mỹ ở khu vực là khủng bố.
Sức cầu đối với vàng gia tăng ngay sau khi tổng thống Iran tuyên bố thu hẹp thực hiện cam kết trong thỏa thuận hạt nhân. Nó khiến thế giới lo ngại mối nguy toàn cầu khi thỏa thuận hạt nhân Iran đổ vỡ.
Bộ Ngoại giao Iran hôm 8/5 đã chính thức thông báo việc nước này quyết định đình chỉ việc thực hiện một số cam kết trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với sự tham gia của 6 cường quốc trên thế giới.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, sau 60 ngày nữa, Iran sẽ trở lại làm giàu urani ở mức độ cao. Iran cũng sẽ đưa ra quyết định với lò phản ứng Arak, một lò hạt nhân mà trước đó thế giới lo ngại được sử dụng với mục đích chế tạo bom nguyên tử nếu không được giám sát. Trước đó, Mỹ triển khai tàu sân bay tới khu vực Trung Đông.
Vàng tăng giá còn do các thị trường chứng khoán trên thế giới đồng loạt giảm điểm do giới đầu tư lo ngại cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ đổ vỡ. Trong khi đó, đồng USD suy yếu cũng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng và đồng yen Nhật tăng lên mức cao nhất trong 6 tuần so với đồng USD. Thông tin về thặng dư thương mại của Trung Quốc tiếp tục tăng lên trong tháng 4 cũng góp phần khiến giới đầu tư lo ngại về kết quả của một cuộc đàm phán thương mại. Với thông tin này, các quan chức Mỹ có thể sẽ có lập trường cứng rắn hơn liên quan đến thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.