Kết thúc những ngày tháng nghỉ hè bên gia đình, Đức Anh một sinh viên trường Cao đẳng FPT cảm thấy hoang mang khi quay lại Hà Nội học tập. Cùng lúc đó, cậu sinh viên nhận được thông tin giá phòng trọ tăng cao. Mặc dù trước đó khi thuê nhà, 2 bên đã ký hợp đồng thỏa thuận không tăng giá, nhưng chỉ sau 2 tháng hè, tiền phòng tăng lên 1.000.000đ/phòng.
“Không chỉ riêng mình mà có cả một vài phòng khác cũng gặp phải tình trạng này. Có trường hợp còn bị đuổi và không được trả cọc. Tiền phòng từ 3.800.000 đồng bị đẩy lên thành 4.800.000 đồng, đồng thời tiền điện tăng lên thành 4000đ/kWh. Cuối cùng mình và bạn không đủ khả năng chi trả nên phải tìm và chuyển gấp sang nhà trọ khác trong vòng 10 ngày”, cậu sinh viên này bức xúc.
Giá nhà trọ Hà Nội: Khoảng sân bên trong một dãy nhà trọ ở Hà Nội.
Đức Anh chia sẻ thêm, việc tìm phòng trọ vô cùng khó khăn, vất vả. Để tìm được một phòng trọ hợp ý là cả một quãng thời gian dài, bỏ công sức lùng sục khắp hang cùng ngõ hẹp. Nhà trọ đẹp thì giá cao lại còn tăng giá, nhà trọ lụp xụp thì khó sống được.
Có những phòng trọ trên ảnh thì rất đẹp những khi đến tận nơi thì lại không phải vậy. Kể từ sau vụ cháy dãy nhà trọ ở Cầu Giấy, nhiều khu trọ không đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, lối thoát hiểm nên phải ngưng hoạt động cũng khiến cho nhà trọ trở nên khan hiếm hơn.
Không chỉ giá nhà trọ tăng, nhiều sinh viên còn tỏ ra bức xúc hơn khi những khoản phí khác như điện nước, phí vệ sinh... cũng theo giá nhà tăng lên. Nếu như trước đây, người thuê nhà trọ dùng bao nhiêu thì trả số tiền theo bảng giá chung tương ứng với mức độ tiêu thụ, thì giờ đây các khoản phụ phí lại được tính cố định theo đầu người.
Nhiều phòng trọ, căn hộ mini thu phí điện là 4000đ/kWh, còn nước sinh hoạt của một tháng từ 100.000 đồng - 170.000 đồng /người. Không chỉ vậy, nhiều nơi còn chi phí internet theo đầu người từ 70.000 đồng - 100.000 đồng/tháng.
Khi được hỏi về giá của các khoản phụ phí, một chủ nhà trọ tốt bụng ở khu vực Trần Cung (Cầu Giấy) cho biết: “Giờ đây, rất nhiều khu cho thuê tính tiền điện nước cố định theo đầu người, nếu tính như vậy thì rất thiệt thòi cho các bạn sinh viên. Bản thân tôi cũng có người thân đi thuê trọ, các cháu và gia đình phải tìm trọ rất vất vả nên gia đình tôi khi cho thuê cũng tạo điều kiện tốt nhất có thể cho các cháu”.
Giá nhà trọ Hà Nội: Bên trong những căn nhà trọ tồi tàn cũ nát nhưng giá tăng cao.
Những căn phòng trọ nhỏ, với thiết bị cũ nát được cho thuê với giá từ 2.000.000 - 2.800.000 đồng/phòng. Tuy nhiên, giá phụ phí như điện, nước, bảo vệ, vệ sinh lại tăng lên cao đề bù vào việc phòng trọ giá rẻ.
Hiện nay, tìm trọ trở thành một bài toán khó đối với các bạn sinh viên. Việc tìm được một phòng trọ giá thành hợp lý với nguồn tài chính của gia đình càng trở nên khó khăn, những phòng trọ giá rẻ thì lại gia tăng những khoản phí dịch vụ hay xuất hiện những kiểu lừa đảo để tăng giá phòng đột ngột khiến sinh viên “lao đao” trước những khoản tiền vượt khả năng chi trả.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, đa số các nhà trọ, căn hộ mini,... ở quanh khu vực các điểm trường đại học như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm,... những căn phòng chỉ vỏn vẹn gần 20m2, được bày trí thêm những nội thất cơ bản như giường, tủ quần áo,...Chỉ trong chốc lát, những căn phòng này đã được cho thuê với giá từ 2.000.000 đồng - 4.000.000 đồng/phòng (chưa tính phí điện nước).
Nhà trọ tối tăm, cũ nát với lối đi nhỏ hẹp chỉ đủ một người đi.
Ông Thể (chủ của một nhà trọ 4 tầng tại Trần Cung) chia sẻ: “Nhà chúng tôi mới sửa sang để chuyển sang cho thuê trọ. Chỉ trong vài ngày, có rất nhiều các bạn sinh viên cùng gia đình đến xem và đồng ý thuê, nhà khoảng chục phòng mà giờ đây chỉ còn 2 - 3 phòng chưa có người thuê”.
Sau hàng loạt các sự cố cháy nổ nhà trọ, chung cư mini, rất nhiều khu vực từ chối nhận gửi xe điện. Chủ trọ yêu cầu các xe điện gửi ở khu vực khác, để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Đồng thời, tiến hành sắm sửa, trang bị thêm những thiết bị PCCC để đảm bảo an toàn cho người thuê trọ.
“Việc cho gửi xe điện ở trong nhà là một điều đáng lo ngại, không biết sẽ xảy ra cháy nổ lúc nào và tôi không thể có mặt kịp thời. Tôi cũng không mong muốn xảy ra những tai nạn như vậy, do đó nhà chúng tôi không nhận xe điện để đảm bảo cho khách thuê trọ”, ông Thể bày tỏ.
Hiện trường vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính các đây không lâu.
Đau đầu tìm phòng trọ, Trần Giang, sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng gặp nhiều khó khăn khi ở phòng trọ cũ có giá là 3.800.000 đồng. Đây không phải là một số tiền nhỏ nhưng chất lượng không được tốt, do gần trường nên Giang vẫn quyết định thuê.
"Đợt này bọn mình tìm chỗ khác vì chủ trọ thường xuyên có những khoản phí không tên, không hề có trong hợp đồng trước đó. Không chỉ vậy, mình còn không có sự riêng tư khi chủ trọ thường xuyên tự ý mở cửa vào phòng, khiến mình rất hoang mang”, Trần Giang lo lắng.
Theo Trần Giang, không chỉ có những khoản phí không tên, tình trạng chủ trọ tăng giá phòng để đuổi người đang thuê ra khỏi phòng, từ đó cho người mới vào thuê với giá cao hơn để thu lợi nhuận.
Theo thống kê, quận Cầu Giấy có hơn 3.300 nhà trọ. Trong đó, nhà chỉ cho thuê trọ có 1.812 cơ sở; nhà ở kết hợp kinh doanh thuê trọ có 1.513 cơ sở; nhà ở riêng lẻ cho hộ gia đình thuê và sử dụng cả nhà có 3 cơ sở. Qua kiểm tra, các lực lượng ghi nhận hơn 3.100 nhà trọ không có lối tiếp cận cho xe chữa cháy; 2.800 nhà trọ không đảm bảo điều kiện về lối thoát nạn; 2.700 nhà trọ không đảm bảo hệ thống chữa cháy; 1.560 nhà trọ vi phạm về hệ thống điện. Công an TP Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày 4-7, Công an TP Hà Nội đã tổ chức kiểm tra với 36.972/36.972 cơ sở nhà trọ trên địa bàn. Đồng thời, xử phạt 3.134 trường hợp, phạt tiền gần 13 tỉ đồng, tạm đình chỉ 672 trường hợp, 75 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động. Đặc biệt, cơ quan này yêu cầu 16.479 cơ sở dừng hoạt động, 100% chủ đầu tư ký cam kết thực hiện. |