Thứ ba, 23/04/2024 | 16:13
RSS

Giá hồ tiêu hôm nay 8/9: Bất ngờ giảm mạnh vào cuối tuần

Chủ nhật, 08/09/2019, 11:39 (GMT+7)

Sau quãng thời gian liên tục đi ngang, giá tiêu bất ngờ giảm mạnh 500 đồng/kg vào ngày hôm qua 7/9/2019.

Giá hồ tiêu thế giới hôm nay 8/9

Hôm nay 8/9/2019 lúc 10h, giờ Việt Nam, giá tiêu thế giới giao ngay tại sàn Kochi Ấn Độ, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 0,27%, giá tiêu thế giới giao ngay tại sàn Kochi (Ấn Độ) ở mức 34.822 Rupi/tạ.

Giá hạt tiêu trên (sàn SMX - Singapore) tháng 9 vẫn không đổi, ở mức 6.500 USD/tấn.

Giá hồ tiêu hôm nay 8/9: Bất ngờ giảm mạnh vào cuối tuầnNguồn: giacaphe.com

Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 8 năm 2019 ước đạt 20 nghìn tấn, với giá trị đạt 50 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 220 nghìn tấn, tương đương 561 triệu USD, tăng 27,4% về khối lượng nhưng giảm 3,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. 

Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Đức, Pakistan và Hà Lan với 36,8% thị phần. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2019 đạt 2.556 USD/tấn, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2018. 

Giá hồ tiêu trong nước

Cụ thể, giá tiêu tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hôm qua giảm 500 đồng về ngưỡng 44.000 đồng/kg.

Giá tiêu tại Chư Sê- Gia Lai có giá 42.500 đồng/kg.

Trong khi đó, giá tiêu tại Bình Phước, Đắk Nông (Gia Nghĩa), Đắk Lắk (Ea H'leo) đứng yên ở mức 43.500 - 44.000 đồng/kg.

Giá tiêu tại Đồng Nai đi ngang ở ngưỡng 43.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất tại các địa phương trọng điểm.

Giá hồ tiêu hôm nay 8/9: Bất ngờ giảm mạnh vào cuối tuần
Giá hồ tiêu trong nước giảm mạnh vào cuối tuần.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày tại hội nghị này cho biết, Việt Nam có khoảng 100.000 ha hồ tiêu cho thu hoạch với năng suất trung bình khoảng 24,7 tạ/ha, tương đương sản lượng khoảng 247.000 tấn.

Ngành nông nghiệp Việt Nam đã có quy định và kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian qua, do vậy, đã giảm được một phần hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong hồ tiêu Việt Nam. Chất lượng hồ tiêu đã tuân thủ theo quy định của châu Âu, năm 2018 đạt khoảng 48%, tăng gần gấp 2 lần so với 2017. Một số thuốc bảo vệ thực vật như Carbendazim, Metalaxyl tuân thủ đạt gần 80%.

Trong khâu chế biến, hiện cũng đã có 20 doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy chế biến riêng để xử lý hồ tiêu theo tiêu chuẩn công nghệ cao với công suất khoảng 60.000 - 70.000 tấn/năm.

Phần lớn các nhà máy đều đạt tiêu chuẩn GMP và nhiều tiêu chuẩn quốc tế quy định đối với nhà máy chế biến thực phẩm. Nhờ đó, sản phẩm hồ tiêu Việt Nam cũng đang được đánh giá cao tại thị trường thế giới, đặc biệt các thị trường có hàng rào kỹ thuật cao và có yêu cầu khắt khe về chất lượng như Mỹ, Đức, Nhật, Canada, Anh, Australia...

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng liên kết lỏng lẻo trong ngành hồ tiêu dẫn tới thực trạng cung vượt cầu và chất lượng khó đảm bảo, khiến xuất khẩu mặt hàng này không bền vững.

Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng hiệu quả ưu đãi từ các Hiệp định đã mang lại. Chẳng hạn, tỷ lệ tận dụng Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để hưởng lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do của các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu hiện chưa cao, trong đó 70% là các doanh nghiệp FDI, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam và của Bộ Công Thương.

Rose
Theo Đời sống Plus/GĐVN