Chủ nhật, 19/01/2025 | 11:56
RSS

Giá hồ tiêu hôm nay 17/10: Cao nhất ở mức 41.500 đồng/kg

Thứ năm, 17/10/2019, 09:47 (GMT+7)

Giá hồ tiêu hôm nay toàn vùng Tây Nguyên đi ngang ở mức 39.500 - 41.500 đồng/kg trong đó thấp nhất tại Gia Lai và cao nhất tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Giá hồ tiêu thế giới hôm nay 17/10

Hôm nay 17/10/2019 lúc 9h, giờ Việt Nam, giá tiêu thế giới giao ngay tại sàn Kochi Ấn Độ, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 1,03%, giá tiêu thế giới giao ngay tại sàn Kochi (Ấn Độ) ở mức 33.650 Rupi/tạ.

Giá hạt tiêu trên (sàn SMX - Singapore) tháng 10 vẫn không đổi, ở mức 6.500 USD/tấn.

Giá hồ tiêu hôm nay 17/10: Cao nhất ở mức 41.500 đồng/kg
Nguồn: giacaphe.com

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, nhập khẩu hạt tiêu của Mỹ trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt 57.529 tấn, trị giá 180,23 triệu USD, tăng 15,9% về lượng, nhưng giảm 13,7% về trị giá so với 8 tháng đầu năm 2018. 

Mỹ nhập khẩu chủ yếu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng chưa nghiền hoặc chưa nghiền nát (mã HS 090411), đạt 43,3 nghìn tấn, tăng 13,3% so với 8 tháng đầu năm 2018. 

Nhập khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng đã nghiền hoặc nghiền nát (mã HS 090412) của Mỹ chiếm 24,7% tổng lượng nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2019, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2018. 

Về cơ cấu nguồn cung: 8 tháng đầu năm 2019, Mỹ tăng nhập khẩu hạt tiêu từ các nguồn cung Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Đức, Nam Phi, nhưng giảm nhập khẩu từ Brazil, Trung Quốc Ecuador, Sri Lanka, Tây Ban Nha.

Giá hồ tiêu trong nước

Thị trường tiêu tại các vùng nguyên liệu Tây nguyên và Đông Nam bộ hôm nay dao động quanh mức 39.500 - 41.500 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) ở mức 41.500 đồng/kg.

Giá tiêu tại Bình Phước 41.000 đồng/kg sau khi tăng 500 đồng, Đắk Lắk (Ea H'leo), Đắk Nông (Gia Nghĩa) là 40.500 đồng/kg.

Giá tiêu tại Gia Lai ở mức 39.500 đồng/kg, tại Đồng Nai là 40.000 đồng/kg.

Giá hồ tiêu hôm nay 17/10: Cao nhất ở mức 41.500 đồng/kg
Giá hồ tiêu trong nước vẫn đang đi ngang.

Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng hiệu quả ưu đãi từ các Hiệp định đã mang lại. Chẳng hạn, tỷ lệ tận dụng Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để hưởng lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do của các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu hiện chưa cao, trong đó 70% là các doanh nghiệp FDI, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam và của Bộ Công Thương.

Vì vậy, để giữ được vị thế số 1 thế giới như hiện nay, ngành hồ tiêu Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và tham gia vào các thị trường có giá trị gia tăng cao để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.

Cần xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng hồ tiêu, tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững. Đồng thời, thí điểm mô hình liên kết có cấp chứng nhận, mã số vùng trồng tại một số địa phương trồng hồ tiêu lớn đáp ứng nhu cầu một số thị trường yêu cầu cao về chất lượng và có thể kiểm soát qua thông tin chỉ dẫn xuất xứ.

Trong bối cảnh hội nhập và đáp ứng với yêu cầu của các FTA, ngành hồ tiêu cần có sự rà soát, đánh giá, định hướng phát triển và xây dựng các giải pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững.

Rose
Theo Đời sống Plus/GĐVN