Giá gas hôm nay 29/4 ở thị trường trong ghi nhận giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 4/2024 tại thị trường Hà Nội là 456.100 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.824.300 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 4.640 đồng/bình 12 kg và 18.460 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).
Trong khi đó, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng không quá 438.500 đồng/bình 12kg.
Nguyên nhân giảm giá lần này do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 4/2024 ở mức 617,5 USD/tấn, giảm 17,5 USD/tấn so với tháng 3/2024 nên ở trong nước thực hiện điều chỉnh theo mức giảm tương ứng.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước đã có 3 lần tăng (tháng 1, tháng 2, tháng 3) và 1 lần giảm (tháng 4).
Giá gas hôm nay. Ảnh minh họa.
Giá gas hôm nay 29/4 trên thị trường thế giới "chốt" ở mức 1,94 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 6/2024.
Thị trường khí đốt châu Âu giảm nhẹ do dự báo thời tiết ôn hòa hơn bất chấp ảnh hưởng từ việc ngừng hoạt động ở Na Uy và lo ngại về nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Bà Saku Jussila - nhà phân tích khí đốt LSEG, cho biết, thời tiết đang ấm lên nhanh chóng sẽ làm giảm nhu cầu khí đốt.
Trong khi đó, về phía cung, ông Kaushal Ramesh, Nhà phân tích của Rystad Energy, cho hay, nguồn cung đường ống của Na Uy giảm 11% so với tuần trước xuống còn 273,8 triệu mét khối (mcm) mỗi ngày. Việc bảo trì thường xuyên được lên kế hoạch trong những tuần tới có thể hỗ trợ giá cả.
Theo các nhà phân tích tại Energy Aspects, thị trường châu Âu có thể vượt qua khá nhiều rủi ro thắt chặt thị trường do dư thừa kho dự trữ trong những năm gần đây và tiềm năng chuyển đổi từ khí đốt sang than đá trong ngành điện.
Báo cáo từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu cho thấy, các kho lưu trữ khí đốt của châu Âu đã đầy khoảng 61,7%, vẫn ở mức cao kỷ lục vào thời điểm này trong năm mặc dù có một số lượng rút ròng trong bối cảnh đợt lạnh tuần trước.
Ở một diễn biến khác, Ukraine cho biết Nga đã tấn công nhằm vào các cơ sở khí đốt quan trọng đảm bảo nguồn cung cho châu Âu. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nêu, cuộc tấn công của Nga vào ngành năng lượng của nước ông vào ngày 27/4 đã nhằm vào các cơ sở khí đốt quan trọng để cung cấp cho Liên minh châu Âu (EU).
Nga vẫn đang bán khí đốt cho EU thông qua Ukraine theo thỏa thuận trung chuyển với Tập đoàn Gazprom của Nga, dự kiến hết hạn vào tháng 12.
Trích dẫn dữ liệu từ Bộ Năng lượng, Nga đã khai thác 191,2 tỷ mét khối khí đốt từ tháng 1 đến tháng 3, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia nhận định, sản lượng khí đốt tăng trưởng ổn định trong năm nay là do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Yếu tố then chốt là xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga đã bắt đầu tăng trưởng, trong khi vào năm 2022-2023 lại chứng kiến sự sụt giảm sau khi nguồn cung cho Liên minh châu Âu thông qua các tuyến xuất khẩu chính bị đình chỉ và việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine giảm đáng kể.
Năm nay, xuất khẩu khí đốt đang phục hồi. Theo ước tính của Vedomosti dựa trên dữ liệu từ gã khổng lồ khí đốt Gazprom và Mạng lưới vận hành hệ thống truyền tải khí đốt châu Âu (ENTSOG), xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đã tăng 32% từ tháng 1 đến tháng 3/2024.
Ông Ronald Smith, nhà phân tích cấp cao tại BCS World of Investments chỉ ra, nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu tăng do mức giá tốt hơn cho người mua so với giá thị trường giao ngay. Đồng thời, xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia cũng đang tăng lên.
Nhà phân tích của Finam - Sergey Kaufman lưu ý, nhu cầu khí đốt ngày càng tăng trên thị trường nội địa cũng có tác động tích cực đến sản xuất khí đốt. Điều này là do thời tiết ở Nga lạnh hơn thường lệ vào đầu năm.